Nhiều hình thức gian lận nhãn hàng hóa trên mặt hàng đường

18:28' - 02/04/2018
BNEWS Ngày 2/4, Hiệp hội Mía đường Việt Nam có công văn số 32/CV-HHMĐ gửi Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; Tổ công tác đặc biệt, Ban Chỉ đạo 334 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhiều hình thức gian lận nhãn hàng hóa trên mặt hàng đường. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức.
Đó là, đối với đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/công ty đường trong nước.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép hoạt động “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1 kg hoặc 50 kg, ghi nhãn mác không rõ ràng. Cụ thể, về chất lượng thường ghi đường mía Việt Nam chất lượng cao, đường luyện xuất khẩu, hàng cát và in nhãn thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Về nơi sản xuất, ngày sản xuất, thường ghi sản xuất tại các nhà máy đường Việt Nam, không ghi ngày sản xuất…
Từ thực trạng sản xuất và buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Cục Quản lý Thị trường, Tổ công tác đặc biệt, Ban Chỉ đạo 334, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6326/VPCP-V1 ngày 19/6/2017 về công tác chống buôn lậu thuốc lá và đường cát.
Đồng thời chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ chủ động tích cực phối hợp và hỗ trợ Cục Quản lý Thị trường, Tổ công tác đặc biệt Ban Chỉ đạo 334 và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2017/2018, ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do thời tiết bất thường, lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017. Thị trường giá cả thế giới và trong nước liên tục giảm, nhưng các nhà máy vẫn duy trì vùng nguyên liệu, giữ giá và bảo hiểm chữ đường cho người trồng mía nguyên liệu, trong khi giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, có một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất.
Đến ngày 15/3/2018, các nhà máy đã ép hơn 8,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 750.000 tấn đường. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy hơn 530.000 tấn, chiếm hơn 70% so với lượng sản xuất và tại các công ty thương mại hơn 14.000 tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục