Nhiều dư địa để phát triển kinh tế biển Khánh Hòa

17:32' - 13/10/2018
BNEWS Khánh Hòa có cùng lúc ba vịnh biển có giá trị to lớn trên nhiều phương diện, bao gồm vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong và lâu nay Khánh Hòa dựa vào đó mà có sự phát triển vượt bậc.
Một góc Vịnh Vân Phong. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN

Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý khá lý tưởng và cả bề dày lịch sử văn hóa, tất cả dường như hội đủ ba yếu tố: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Chính những điều này đã giúp Khánh Hòa phát huy được các lợi thế và tiềm năng, làm động lực cho sự phát triển của địa phương và cả vùng Nam Trung bộ. Tuy nhiên, điều nhận thấy rõ là Khánh Hòa có cùng lúc ba vịnh biển có giá trị to lớn trên nhiều phương diện, bao gồm vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong và lâu nay Khánh Hòa dựa vào đó mà có sự phát triển vượt bậc.

Đối với vịnh Nha Trang, thắng cảnh quốc gia này đã tạo nên danh tiếng cho một thành phố cùng tên nằm bên bờ vịnh về lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng và là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa.

Còn vịnh Cam Ranh gắn liền với thế mạnh về an ninh, quốc phòng, nay còn mở rộng bằng việc hình thành Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh mang tầm quốc gia. Riêng với vịnh Vân Phong nằm ở phía Bắc tỉnh, dù được đánh giá có vị trí, tiềm năng, thế mạnh không thua kém hai vịnh nói trên và mặc dù đã có hơn 10 năm tỉnh Khánh Hòa triển khai xây dựng để trở thành một khu kinh tế có tầm cỡ, nhưng sự tác động trong chặng đường phát triển vẫn còn hạn chế.

Một góc cảng trung chuyển quốc tế vân phong đang còn dở dang sau nhiều năm thi công. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho biết: đến nay khu kinh tế đã thu hút hơn 150 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4 tỷ USD. Trong số đó có 42 dự án có sử dụng mặt biển với các ngành nghề chủ yếu là công nghiệp đóng tàu biển, xây dựng cảng biển, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Bình quân mỗi năm, khu kinh tế này đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động.

Tại khu kinh tế này, có nhiều dự án động lực về lĩnh vực kinh tế biển đã và đang được thực hiện như: Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy. Ngoài ra, dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong 1 với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đang được chủ đầu tư và các ngành chức năng của Việt nam khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng trong nay mai.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án đầu tư đều tập trung vào khu vực phía Nam của vịnh Vân Phong, còn phía Bắc vịnh vẫn còn khá im ắng, tiềm năng thế mạnh chưa được khai phá. Có thể nói vịnh Vân Phong vẫn chưa tạo được vị thế cần thiết của mình, chỉ chờ có cơ hội để trỗi dậy.

Vịnh Vân Phong có diện tích khá lớn, với khoảng 46.000 ha, độ sâu trung bình từ 20m – 30m nước, tương đối kín và chắn gió tốt, thuận lợi để phát triển cảng biển quốc tế và các dịch vụ hậu cần cảng. Địa hình phong phú, hệ sinh thái đa dạng; các đảo, bán đảo có cảnh quan đẹp và hấp dẫn, ít chịu ảnh hưởng của bão do được các dãy núi và các đảo che chắn nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành các khu du lịch, đô thị biển có tầm cỡ quốc tế.

Đặc biệt, trong khu vực này có một số nơi có địa hình tương đối biệt lập như bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, đảo Điệp Sơn... có thể triển khai các dự án có quy mô lớn về nghỉ dưỡng, giải trí... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực vịnh Vân Phong nói chung và khu vực Bắc Vân Phong nói riêng là nơi có một vị trí lý tưởng để phát triển du lịch, công nghiệp tàu biển, cảng trung chuyển quốc tế… mà ít nơi nào ở Việt Nam có được.

Khu vực Bắc Vân Phong nằm ở vị trí cực Đông trên đất liền của Việt Nam, gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả bán đảo Đông Dương nói chung.

Nằm trong vùng hội tụ của các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng từ vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Chính vì vậy trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008 xác định sẽ xây dựng Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, Vân Phong có khả năng sẵn sàng kết nối hạ tầng kỹ thuật quốc gia và quốc tế khi trục Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam chạy xuyên suốt qua khu vực; Quốc lộ 26 cạnh đó đã kết nối vùng Tây Nguyên thuận lợi hơn so với nhiều địa phương khác. Đồng thời, việc kết nối giao thông với sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) qua hầm Đèo Cả với khoảng cách chỉ 35 km, và khi cảng biển tổng hợp Bắc Vân Phong được xây dựng có thể kết nối vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển cả trong nội địa và quốc tế.

Ngoài ra, các điều kiện hạ tầng khác như cấp nước, điện, viễn thông, hạ tầng khu tái định cư hiện đã sẵn sàng. Ngoài ra hiện nay, khu vực Bắc Vân Phong với nhiều vùng có mật độ dân số thấp, nhiều diện tích đất trống chưa xây dựng, nên rất thuận lợi cho giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án có quy mô lớn.

Với nhiều lợi thế vượt trội, khu vực Bắc Vân Phong đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tổ chức khảo sát và đánh giá cao khả năng hội đủ các điều kiện lý tưởng về vị trí địa lý, tiềm năng và đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình đặc khu tại đây từ 5 – 7 năm về trước.

Đảo Điệp Sơn, thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2016, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bao gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Tiếp đó, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) được các cơ quan chức năng xây dựng, đã và đang tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới, nhằm đảm bảo xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Đối với địa phương Khánh Hòa, tại kỳ họp thứ 5 diễn ra hồi cuối năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI đã thông qua Nghị quyết về Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong) thuộc tỉnh, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh với 111.000 ha; trong đó gồm 56.000 ha mặt đất và 55.000 ha mặt nước và dân số hơn 128 nghìn người.

Về cơ bản, Đặc khu Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển các ngành, nghề công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại - tài chính. Tỉnh Khánh Hòa nhận thức rõ việc xây dựng Đặc khu Bắc Vân Phong sẽ góp phần hiệu quả tăng trưởng kỉnh tế, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành kinh tế, đóng góp thu ngân sách, tăng trưởng GDP, tăng thu nhập bình quân đầu người. Thông qua đó còn xây dựng điểm bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính đơn giản cho doanh nghiệp và người dân…

Tuy nhiên, để xây dựng hoàn thiện Đặc khu Bắc Vân Phong, cần phải có thời gian dài triển khai và phải huy động một nguồn vốn có thể nói là “khổng lồ”. Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự kiến Đặc khu Bắc Vân Phong tính đến năm 2025 cần tới 53.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 46.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội; 15.000 tỷ đồng thực hiện khâu giải phóng mặt bằng; 80 tỷ đồng làm quy hoạch.

Tỉnh sẽ phải huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó mời các nhà đầu tư thực hiện dự án theo các hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT)... với số vốn khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhằm tăng nguồn vốn đầu tư cho khu vực Bắc Vân Phong, Khánh Hòa còn đề nghị Trung ương có chính sách để lại toàn bộ số thu từ xuất nhập khẩu trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong hiện tại và tại Đặc khu Bắc Vân Phongđến năm 2030. Đồng thời tỉnh Khánh Hòa đề xuất Trung ương để lại 50% nguồn thu cho địa phương từ phần ngân sách trung ương thu về, nhằm bổ sung cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong 5 năm đầu kể từ ngày thành lập.

Chặng đường phía trước có thể nói còn nhiều khó khăn, thử thách cho việc thành hình Đặc khu Bắc Vân Phong trong tương lai cũng như của huyện Vạn Ninh hiện nay. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa tin tưởng với sự quyết tâm cao của Trung ương, sự đồng lòng của chính quyền và người dân địa phương; sự háo hức, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, rồi đây một đặc khu bề thế sẽ dần hình thành, tạo nên bước đột phá mạnh mẽ cho Khánh Hòa vốn đã giàu có, sẽ lại càng thêm hùng mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục