Nhật Bản lạc quan về cuộc đàm phán thương mại với Mỹ

11:36' - 22/09/2019
BNEWS Ngày 22/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi bày tỏ lạc quan về cuộc đàm phán thương mại với Mỹ,cho rằng tiến trình này mang lại một kết quả làm hài lòng người nông dân và các nhà sản xuất ô tô.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái), người được giao nhiệm vụ chính đàm phán với Mỹ khi còn làm Bộ trưởng đặc trách Phục hồi Kinh tế trong cuộc đàm phán Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình NHK, Ngoại trưởng Motegi cho biết các quan chức hai nước đã và đang tiến hành các cuộc đàm phán trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau.

Trước đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã xác nhận việc nước này và Mỹ sẽ ký Hiệp định Thương mại hàng hóa (TAG) vào tuần tới tại cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước bên lề kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, diễn ra ở New Yorrk, Mỹ.

Ngoại trưởng Motegi, người từng là Bộ trưởng đặc trách phục hồi kinh tế, đã tham gia các cuộc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và dự kiến sẽ gặp quan chức này trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump vào tuần tới.

Chi tiết đầy đủ về thỏa thuận thương mại sắp tới vẫn chưa được tiết lộ, song hai bên vẫn còn bất đồng liên quan đến lĩnh vực ô tô.

Ngoại trưởng Motegi cho biết ông muốn một văn bản cụ thể, trong đó chính quyền của Tổng thống Trump cam kết không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Ngành ô tô chiếm tới 75% thặng dư thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ và nếu bị áp thuế, nền kinh tế Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào lĩnh vực này, sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Cuối tháng 8 vừa qua, cả Mỹ và Nhật Bản xác nhận đã đạt được khung thỏa thuận lớn và thực chất về thương mại như giảm thuế đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.

Nếu TAG được ký kết, hiệp định sẽ phát huy hiệu lực ở Mỹ mà không cần sự thông qua của Quốc hội nước này, do đây chỉ là hiệp định thương mại về mặt thuế quan đối với hàng hóa. Trong khi tại Nhật Bản, TAG chỉ có hiệu lực khi được Quốc hội thông qua.

TAG là giai đoạn một trong đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán các vấn đề được cho là “gai góc” hơn liên quan tới thương mại dịch vụ, tài chính, tiền tệ và hàng rào phi thuế quan sau khi hoàn thành TAG./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục