Nhật Bản khẳng định có quyền hối thúc Liban dẫn độ cựu Chủ tịch Nissan C. Ghosn

13:40' - 06/01/2020
BNEWS Bộ trưởng Tư pháp Nhật bản Masako Mori ngày 6/1 khẳng định nước này vẫn gây sức ép với Liban để dẫn độ cựu Chủ tịch hãng Nissan Motor - ông Carlos Ghosn, người đã trốn khỏi Nhật Bản sang Liban.
Cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tư pháp Nhật bản Masako Mori ngày 6/1 khẳng định nước này vẫn gây sức ép với Liban để dẫn độ cựu Chủ tịch hãng Nissan Motor - ông Carlos Ghosn, người đã trốn khỏi Nhật Bản sang Liban trong thời gian đang được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử.

Trong phát biểu đầu tiên trước báo giới kể từ khi ông Ghosn trốn ra nước ngoài, Bộ trưởng Mori nhấn mạnh về nguyên tắc chung, Tokyo có thể đề nghị dẫn độ từ một quốc gia không có thỏa thuận chính thức về dẫn độ.

Theo bà, một đề nghị như vậy cần thận trọng xem xét dựa trên khả năng "đảm bảo tính có đi có lại và luật nội địa của nước đối tác". Tuy nhiên, bà không cung cấp thêm chi tiết và sự có đi có lại này, cũng như không cho biết hiện có công dân Liban nào ở Nhật Bản đang bị chính quyền Beirut truy nã hay không.

Trong cuộc họp báo trên, bà Mori không cung cấp thông tin gì rõ ràng hơn về cuộc tẩu thoát trên vì cho biết vụ việc đang trong quá trình điều tra, song nhấn mạnh rằng ông Ghosn đã trốn ra nước ngoài một cách trái pháp luật, và đây là hành động tội phạm "không thể biện minh".

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ thắt chặt các biện pháp nhập cư như các trạm kiểm soát ra vào biên giới, xem xét lại các quy định về bảo lãnh tại ngoại, và cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc. Giới chức nước này cũng đã ban bố một cáo thị quốc tế về việc bắt giữ ông Ghosn.

Liban là nơi sinh ra của ông Ghosn và là quốc gia không có dẫn độ công dân nước mình. Beirut cho biết đã nhận được lệnh truy nã của Interpol đối với ông Ghosn, song khẳng định ông đã nhập cảnh Liban một cách hợp pháp. Một quan chức an ninh cấp cao của nước này cho biết Liban không dẫn độ công dân nước mình.

Ông Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ô tô Renault SA (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản). Tháng 11/2018, ông bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yên (83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân.

Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh với điều kiện không được rời khỏi Nhật Bản. Tòa án Tokyo dự kiến bắt đầu xét xử ông vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, ngày 29/12/2019, ông Ghosn đã bất ngờ trốn khỏi Nhật Bản để sang Liban, quá cảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một tuyên bố ngắn gọn ngày 3/1, cựu Chủ tịch hãng Nissan Motor khẳng định ông đã tự mình lên kế hoạch rời Nhật Bản đến Liban, theo đó phủ nhận gia đình ông dính líu đến việc này./.

Xem thêm:

>>Giới chức Nhật Bản lên tiếng về việc cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn bỏ trốn

>>Liban bác cáo buộc giúp cựu Chủ tịch Nissan Ghosn bỏ trốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục