Nhận diện thách thức đối với ngành trồng trọt năm 2019

17:54' - 09/01/2019
BNEWS Năm 2019, ngành trồng trọt đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất trồng trọt là 1,78%, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 21 tỷ USD. 
So với năm 2018, ngành trồng trọt sẽ phải đảm bảo tăng xuất khẩu thêm 1,5 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 9/1 tại Hà Nội, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năm 2019, ngành trồng trọt đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất trồng trọt là 1,78%, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 21 tỷ USD.

Như vậy, so với năm 2018, ngành trồng trọt sẽ phải đảm bảo tăng xuất khẩu thêm 1,5 tỷ USD. Phân bổ con số này cho các loại cây trồng, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng cho rằng, các loại cây ăn quả có thể tăng thêm 1 tỷ USD. Còn lại là các sản phẩm khác như sắn, cây công nghiệp, nấm.

Theo ông Tùng, các loại cây ăn quả có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị xuất khẩu là chanh, bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm. Chanh và bưởi có tiềm năng sản xuất nhưng thị trường chưa mở được nhiều.

Xoài có dư địa xuất khẩu lớn, doanh nghiệp thậm chí thiếu nguyên liệu. Nhãn, chôm chôm có thể tiếp tục phát triển và có thị trường lớn. Do đó, vấn đề quan trọng là phải thâm canh để tăng năng suất trên diện tích đã trồng cùng với việc tích cực mở cửa thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả nhận định, năm 2019, xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp sẽ phải đạt từ 16-16,5 tỷ USD là nhiệm vụ rất khó khăn. Bởi, năm 2018 là năm được mùa của hầu hết tất cả các cây trồng.

Năm 2019, ngành sẽ phải giữ được năng suất đó để đảm bảo sản lượng. Hầu hết các loại cây công nghiệp sẽ duy trì được sản lượng như năm 2018, bởi các cây trồng đã bước vào phát huy hiệu quả sau thời gian tái canh, thâm canh, ghép cải tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, thách thức của ngành chính là đỉnh cao của 2018. Ngành đã có hai cây trồng tái cơ cấu đang phát huy hiệu quả, đó là lúa và cà phê.

Ngành sẽ tiếp tục tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Đồng thời, tập trung chỉ đạo và định hướng sản xuất một số cây trồng chủ lực như lúa, sắn, cà phê, tiêu, điều… với các gói kỹ thuật cụ thể.

Các địa phương tổ chức lại sản xuất của các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn, tập trung có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo thành chuỗi ngành hàng.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2918 và kế hoạch công tác năm 2019. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện bất thuận của môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu ngành phải đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và sản xuất bền vững như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Bởi ngay thị trường Trung Quốc được coi như dễ tính cũng đang ngày càng yêu cầu các sản phẩm phải có chất lượng cao, có thể truy suất nguồn gốc.

Năm 2018, giá trị sản xuất trồng trọt đạt 482.000 tỷ đồng, tăng 2,52%. Sản lượng lượng thực có hạt đạt 48,8 triệu tấn, giá trị nông sản xuất khẩu đạt 19,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2017.

Sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích một số cây hàng năm có hiệu quả thấp như lúa giảm 138.000 ha, ngô giảm 60.000 ha…Cùng với, đó là tăng một số cây trồng có thế mạnh như cây ăn quả tăng 48.000 ha, rau tăng 23.000 ha… Tuy diện tích lúa giảm nhưng sản lượng đạt 43,98 triệu tấn, tăng khoảng 1,22 triệu tấn so với năm 2017./.

>> Hưng Yên sẽ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục