Nguyên nhân nào khiến giải ngân vốn ngành nông nghiệp đạt thấp?

18:23' - 17/04/2019
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giải ngân xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp quý I thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 do một số nguyên nhân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2019, do các chủ đầu tư tiếp tục tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 và hoàn tạm ứng khối lượng năm 2018, nên kết quả giải ngân xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp quý I thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn ngân sách trong nước thực hiện đạt 106 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch; giải ngân đạt 25,4 tỷ đồng, bằng 2,1% kế hoạch.

Vốn nước ngoài thực hiện đạt 147 tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch; giải ngân đạt 120 tỷ đồng, bằng 5,8% kế hoạch.

Vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện đạt 775 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch; giải ngân đạt 461 tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch.

Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu cho đầu tư thủy lợi, thủy sản, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ...

Các dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu ngân sách trung ương là: Chương trình phát triển thuỷ sản bền vững; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Về nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ cũng đã triển khai giao kế hoạch và thông báo vốn cho các chủ đầu tư để tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ quản lý đạt 90-95%.

Trong quá trình giải ngân, Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực Bộ sẽ chỉ đạo sát sao để việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đạt hiệu quả cao. Bộ trưởng cũng đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm tới các đơn vị thuộc Bộ, chủ đầu tư.

Tổng kế hoạch vốn năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là 14.302 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước 1.236 tỷ đồng, vốn ODA 2.066 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 11.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn được phân bổ cho 129 dự án; trong đó có 58 dự án thủy lợi, 04 dự án phòng chống thiên tai, 11 dự án hạ tầng thủy sản và 38 dự án hạ tầng nông lâm nghiệp; trong năm dự kiến hoàn thành 22 công trình, dự án.

Ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo, triển khai thi công các dự án đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình thủy lợi lớn, lượng vốn rất lớn (11.000 tỷ đồng), gấp 1,4 lần kế hoạch vốn năm 2018.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là nhiệm vụ lớn, nhiều thách thức cần tập trung chỉ đạo để bảo đảm vừa thực hiện đúng Luật và các quy định về quản lý đầu tư, đồng thời giải ngân và thực hiện được 100% kế hoạch vốn được giao.

Đối với các dự án ODA, cần đẩy nhanh thực hiện, bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ Hiệp định đã ký kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục