Nguyên nhân nào khiến cơ chế một cửa quốc gia thiếu đồng bộ?

09:57' - 16/06/2019
BNEWS Mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận hệ thống một cửa quốc gia chưa đồng bộ, khó khai thác, tốc độ truy cập vẫn chậm và chưa ổn định...
Cơ chế một cửa bước đầu mang lại hiệu quả lớn trong cải cách hành chính. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng - TTXVN

Việt Nam là một trong 3 quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Chính phủ xác định việc triển khai cơ chế này thành nhiệm vụ trung tâm trong kết nối, phát triển giao thương trong khu vực.

Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã mang lại những hiệu quả lớn trong cải cách hành chính.

Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính. Nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu. Đồng thời, giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường.

Cơ chế một cửa quốc gia cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần hiệu quả công tác  phòng, chống tham nhũng.

Với trách nhiệm của Cơ quan Thường trực, Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực góp phần tạo ra những bước đột phá trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Công Bình, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Các đơn vị như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai và đạt kết quả rất tốt.

Chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến nay đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 173 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 2,1 triệu bộ hồ sơ và trên 29.000 doanh nghiệp tham gia.

Mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận hệ thống một cửa quốc gia chưa đồng bộ, khó khai thác, tốc độ truy cập vẫn chậm và chưa ổn định; các vướng mắc về quy trình xử lý nghiệp vụ khai báo của các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ; kết quả xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa kịp thời. Cụ thể, 89,1% thủ tục là tiếp nhận thông tin; số thủ tục thao tác trực tiếp chỉ chiếm 10,9%.

Hiện tại Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ quản lý nhà nước…

Theo Tổng cục Hải quan, hạn chế này có nguyên nhân là tiến độ phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai các thủ tục nên dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải vì năng lực không đáp ứng kịp với lượng giao dịch phát sinh trên hệ thống. Nguồn lực để giám sát, quản lý, vận hành tất cả các hệ thống hiện chưa đầy đủ, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp còn yếu, chưa kịp thời do thiếu cán bộ nghiệp vụ.

Tại phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu, trong năm 2019, cả nước sẽ hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (bao gồm 18 thủ tục chuyển từ năm 2018 sang và 43 thủ tục của năm 2019); triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO một cách thực chất, đầy đủ theo đúng lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập cảnh theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình, để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổng cục Hải quan tham mưu với Bộ Tài chính đôn đốc các bộ, ngành tích cực thực hiện nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019.

Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan. Mặt khác, đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực, với vai trò là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai một loạt giải pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia như: phát triển hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối trao đổi thông tin với các nước trong khu vực ASEAN./.

>>> Kết nối kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ còn hạn chế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục