Người trồng hoa Lâm Đồng gặp khó khi giá điện tăng

08:14' - 22/05/2019
BNEWS Hiện nay, nông dân các làng hoa, các nhà vườn công nghệ cao tại Lâm Đồng đang gặp khó khăn khi chi phí điện cho sản xuất tăng cao.
Vườn hoa hồng tại làng hoa Vạn Thành (phường 5, thành phố Đà Lạt). Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Hiện nay, nông dân các làng hoa, các nhà vườn công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận như huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đang trong tình trạng khó khăn khi chi phí điện cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt người dân.
Các làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành của thành phố Đà Lạt là các làng hoa truyền thống. Đây là nơi các nhà vườn sử dụng nhà kính để sản suất nông nghiệp công nghệ cao.

Hầu hết các nhà kính trồng hoa cúc đều phải thắp điện suốt đêm và các thiết bị tiêu thụ điện, vì vậy tiền điện tại các vườn này khá lớn, trung bình mỗi nhà kính thắp sáng tiêu thụ từ một đến vài chục triệu đồng/tháng (tùy diện tích và mật độ bóng, thời gian thắp sáng).
Chị Nguyễn Thị Huyền ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt, có 3.000 m2 trồng hoa cúc, trước đây mỗi tháng gia đình chị tiêu thụ 1,5 triệu đồng nhưng đến tháng 4/2019 tăng lên 1,8 triệu đồng. 

Cũng trong tình cảnh đó, anh Nguyễn Văn Thịnh, phường 12, Đà Lạt có khoảng 3.000 m2 đất trồng hoa cúc và hoa giống, giá điện tăng khiến gia đình thêm lo lắng.
Anh Thịnh cho biết: “Chúng tôi vừa sử dụng máy bơm tưới nước, vừa thắp sáng mỗi tháng gia đình tiêu thụ khoảng 1 triệu đồng tiền điện, trước đây chỉ khoảng 700 nghìn đồng”.

Theo anh Thịnh, sản xuất hoa cúc lệ thuộc rất lớn vào nguồn điện. Trong khi đó, do dịch bệnh hoa cúc lại đang xảy ra trên địa bàn, nay thêm việc tăng giá điện, kéo theo giá cả các mặt hàng cũng tăng khiến nhà vườn bị ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập.

Nhiều hộ dân đã chuyển sáng thắp đèn Led nhưng tiền điện vẫn không giảm bao nhiêu.
Chi phí tăng cao nhất là một số hộ dân có diện tích sản xuất từ 3- 4 ha trồng hoa cúc, sử dụng tới 4.000- 4.500 bóng điện thắp sáng, chi phí tiền điện hết  47 triệu đồng/tháng. Gần đây khi giá điện tăng, chi phí tăng thêm gần 10 triệu đồng mỗi tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Ron, Chủ tịch UBND phường 12, thành phố Đà Lạt, làng hoa Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt, các hộ dân ở đây trung bình 1 năm trồng 4 vụ hoa.

Để cây phát triển tốt, với 1 ha canh tác,  nhà vườn phải thắp từ 1.000 đến 1.200 bóng điện.  Với việc tăng giá điện như hiện nay, mỗi năm các nhà vườn tại phường 12, thành phố Đà Lạt sẽ chi trả tiền điện khoảng 40 tỷ đồng.
Tương tự tại huyện Lạc Dương các nhà vườn cũng đang gặp khó khi giá điện lên. Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, huyện có hơn 700 ha sản xuất rau, hoa công nghệ cao, sau khi giá điện tăng, chi phí mỗi tháng tại các nhà vườn đã tăng từ 15 đến 20%.

Đặc biệt, tại các nhà vườn trồng hoa cúc, lượng điện sử dụng rất lớn. Phòng sẽ tuyên truyền cho người dân sản xuất nông nghiệp tiết kiệm điện.

Khuyến khích người dân nên sử dụng các loại bóng đèn Led. Loại đèn này hiện nay có nhiều hộ dân đã áp dụng vì tuổi thọ cao và giảm được chi phí sản xuất.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc tăng giá điện trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên giá trị nông sản trong thời gian qua không tăng, khiến cho nông dân phải thêm chi phí sản xuất.
Lâm Đồng hiện có gần 8.900 ha sản xuất hoa hoa cúc, hồng và lay ơn là ba loại hoa chiếm diện tích nhiều nhất trong cơ cấu các giống hoa trồng tại Lâm Đồng; trong đó, cúc chiếm hơn 37%.

Ngoài ra, các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện như quạt gió, máy bơm nước, hệ thống tưới nhỏ giọt, máy sấy… tiêu thụ rất nhiều điện năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục