Người chăn nuôi có thể sẽ mất hàng ngàn tỷ đồng nếu dịch tả lợn châu Phi bùng phát

20:46' - 14/03/2019
BNEWS Chiều 14/3, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp khẩn cùng người đứng đầu các địa phương, sở, ban, ngành để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

‘Thủ phủ’ chăn nuôi lợn căng mình chống dịch
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện nay, đàn lợn trên địa bàn tỉnh lớn nhất cả nước với 2,5 triệu con; trong đó, chăn nuôi theo quy mô trang trạng chiếm 75% tổng đàn, với 1.725 trang trại, còn lại chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình chiếm 25%. Các công ty chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài – FDI chiếm trên 51% tổng đàn với 503 trang trại.
Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 cho biết, đến 18 giờ, ngày 13/3, cả nước đã ghi nhận 17 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi với trên 21.400 con lợn mắc bệnh. Trong những ngày qua, cơ quan thú y vùng 6 đã thực hiện lấy 633 mẫu xét nghiệm tại các tỉnh, thành trong khu vực để kiểm tra. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu phẩm đều âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Người chăn nuôi có thể sẽ mất hàng ngàn tỷ đồng nếu dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ảnh minh họa: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Lữu khẳng định, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa bị lây nhiễm vào các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Trước diễn biến nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Đồng Nai đã và đang ‘căng mình’ phòng chống dịch. Ông Huỳnh Thành Vinh cho biết, hiện nay, tỉnh đã lập 2 chốt kiểm dịch để kiểm soát 24/24 tất cả các phương tiện vận chuyển lợn trên quốc lộ 1A và quốc lộ 20. Theo đó, khi xe chở lợn từ các tỉnh, thành phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên qua địa bàn Đồng Nai đều được kiểm dịch, phun khử bằng hóa chất và test kiểm tra nhanh dịch bệnh lợn châu Phi.
Các trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đều đã được tuyên truyền về mức độ nguy hiểm, lây lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi. Ông Vinh cho rằng, người dân cũng đã ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Lo ngại từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, từ tháng 4/2018, khi giá lợn tăng cao trở lại, cũng là lúc những hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ tăng đàn. Theo đó, trước thời điểm tháng 4/2018 trên địa bàn Đồng Nai các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm 6% tổng đàn lợn. Tuy nhiên, hiện nay số lợn chăn nuôi nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình đã tăng lên 25%.
Ông Chánh cho rằng, đối với các doanh nghiệp chăn nuôi với quy mô trang trại lớn, họ áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi khép kín và an toàn sinh học. Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch tại các trang trại quy mô lớn không đáng lo. Trong khi đó, 25% số lợn trên địa bàn được chăn nuôi tại các hộ nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn của người dân chưa cao. Do đó, đây là nguy cơ dẫn đến nguồn lây nhiễm.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 6 lo ngại, thói quen cho lợn ăn thức ăn thừa từ nhà hàng, quán ăn của các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm dịch cho đàn lợn. Ông Bạch Đức Lữu đề nghị tỉnh Đồng Nai cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên cho lợn ăn thức ăn thừa trong giai đoạn dịch đang bùng phát nhanh như hiện nay.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, tỉnh Đồng Nai và các cơ quan trung ương cho tạm ngưng vận chuyển lợn từ các tỉnh, thành phía Bắc, những vùng có dịch vào Nam để ngăn ngừa dịch lây lan.
Ông Công cho biết, vẫn có những trường hợp lợn được vận chuyển từ Bắc vào Nam và trên hành trình vận chuyển, có những con lợn bị chết được chủ xe vứt xuống bên đường. Đây là những yếu tố có nguy cơ rất cao lây lan dịch bệnh. Ông Công cũng đề nghị tất cả các xe chở lợn qua các tỉnh thành nào đều phải được kiểm dịch và thông báo trên hệ thống để cùng phối hợp kiểm soát.
Dịch lây lan sẽ gây thiệt hai rất lớn
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai, các sở, ngành và địa phương khẩn trương thành lập ngay ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Cường đưa ra ví dụ, đàn lợn của Đồng Nai 2,5 triệu con. Với mức giá hỗ trợ theo quy định hiện hành là 38.000 đồng/kg lợn mắc bệnh. Nếu tính trung bình có khoảng 1 triệu con lợn thịt bị mắc bệnh thì số tiền nhà nước hỗ trợ có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhắc lại, đây là số tiền rất lớn, nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả, khẩn trương thì nguy cơ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi sẽ rất lớn.
Ông Cường cũng đề nghị, các lực lượng của địa phương gồm ngành thú y, công an và quản lý thị trường thành lập thêm các chốt kiểm dịch. Ngoài 2 chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1A và quốc lộ 20, cần thành lập thêm các trạm kiểm soát trên quốc lộ 51, 56 và hai trạm đặt tại khu vực quốc lộ 20 và 1A thuộc huyện Thống Nhất.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Đồng Nai cũng kêu gọi, người chăn nuôi cần tạm dừng việc cho lợn ăn thức ăn thừa được lấy từ các nhà hàng, quán ăn vì đây là nguồn dễ lây bệnh dịch cho đàn lợn. Đối với các xe vận chuyển thức ăn chăn nuôi liên tỉnh cũng phải được kiểm soát gắt gao, phun xịt khử trùng đển hạn chế nguồn lây bệnh.
Đối với vấn đề vận chuyển và trung chuyển lợn trên địa bàn, các đơn vị liên quan cần quán triệt tinh thần kiểm soát gắt gao, những trường hợp chống đối không hợp tác thì xử lý nghiêm; khi phát hiện những lò mổ lợn lậu thì xử phạt và kiên quyết đóng cửa, không cho hoạt động lại; tại các chợ qua kiểm tra nếu thịt lợn không có dấu kiểm dịch thì tiến hành tiêu hủy ngay.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, dịch tả lợn châu Phi mặc dù rất nguy hiểm đối với lợn, tốc độ lây lan nhanh và hiện chưa có vắc – xin phòng bệnh. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi lại không lây sang người, do đó kêu gọi người dân vẫn an tâm sử dụng và không quay lưng với thịt lợn./.

>>> Họp khẩn về khống chế dịch tả lợn châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục