Nghị quyết 45 – sức bật mới cho thành phố Cảng

19:36' - 17/02/2019
BNEWS Nghị quyết mới 45 vừa được Bộ Chính trị ban hành riêng cho Hải Phòng vào ngày đầu Xuân 2019 là sức bật mới mạnh mẽ đưa Hải Phòng vươn tầm cao mới.
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Nếu như Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị là điểm tựa để “đánh thức” Hải Phòng vươn dậy, khẳng định vai trò của một trung tâm hội nhập quốc tế và động lực phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, thì Nghị quyết mới 45 vừa được Bộ Chính trị ban hành riêng cho Hải Phòng vào ngày đầu Xuân 2019 sẽ là sức bật mới mạnh mẽ đưa Hải Phòng vươn tầm cao mới.
Điểm tựa Nghị quyết 32
Xuyên suốt của Nghị quyết 32 về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” là ưu tiên phát triển Hải Phòng không chỉ cho Hải Phòng mà là để đột phá, hình thành cực tăng trưởng của vùng, kết nối vùng với thế giới, tạo động lực mạnh phát triển cho vùng.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, thực tế qua 15 năm thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt rõ nét là mấy năm gần đây, Hải Phòng biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả ấn tượng.

Đó là không gian đô thị được mở rộng khá nhanh. Một số công trình hạ tầng quan trọng như: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường Tân Vũ – Lạch Huyện…đi vào vận hành, tạo nền tảng phát triển thành phố trong giai đoạn tới.
Đó còn là quy mô kinh tế của Hải Phòng liên tục được mở rộng, năm 2017 gấp 4,27 lần so với 2003, luôn giữ vị trí thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Tỷ trọng GRDP trong GDP cả nước (giá thực tế) từ 2,97% năm 2003 lên 3,3% năm 2017. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 3.694 USD, bằng 1,54 lần bình quân cả nước, tăng 5,43 lần so với năm 2003.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của các nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 84,81% năm 2003 lên 94,75% năm 2017; giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP.
Cùng đó, nguồn lực của thành phố được tăng cường, thu hút vốn đầu tư có bước tiến mạnh cả về số vốn và chất lượng.

Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2003 - 2017 là gần 488.000 tỷ đồng, tăng bình quân 16,58%. Lũy kế đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút 311 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 13.580 triệu USD; thu hút 138 dự án đầu tư trong nước (DI) với tổng số vốn đầu tư gần 136.352 tỷ đồng.
Vẫn còn “điểm nghẽn”
Những nỗ lực của cả hệ thống chính trị Hải Phòng trong thời gian qua đã được nhận diện rõ nét. Tuy nhiên nhìn trong xu thế tổng thể, có cơ sở để nhận định những kết quả đạt được của Hải Phòng đạt được mới chỉ là bước đầu, mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020 khó đạt được.

Vai trò, đóng góp của Hải Phòng với vùng và cả nước còn cách xa kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa mạnh. Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, một số dự án, công trình ghi trong Nghị quyết 32 đến nay chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm.

Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội phát triển chưa đồng đều giữa các lĩnh vực; an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế. Hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao.

Cơ chế chính sách đặc thù dành cho Hải Phòng chậm được ban hành. Cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố…
Những hạn chế trên ở Hải Phòng là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu.

Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Tiếp nữa, môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước chậm được cải thiện.

Việc quản lý và sử dụng nguồn lực của thành phố hiệu quả chưa cao. Các cơ chế, chính sách ưu đãi cho thành phố cảng biển triển khai chưa kịp thời.
Thêm nguyên nhân về phía các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đó là công tác xây dựng thể chế của nhà nước về phát triển vùng chưa đủ mạnh. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ.

Cơ chế, chính sách được ban hành chưa tính đủ các yếu tố vai trò cực tăng trưởng, đô thị trung tâm cấp quốc gia.

Thiếu các cơ chế, chính sách đột phá, tạo sức mạnh liên kết giữa Hải Phòng với các địa phương trong vùng, với cả nước và quốc tế.
Khơi thông, tạo sức bật mới

Bốc xếp container tại chi nhánh cảng Tân Vũ, Cảng Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị ra đời trên cơ sở sau 15 năm Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW và Kết luận 72 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 45 kỳ vọng khơi thông “điểm nghẽn”, tạo sức bật mới cho Hải Phòng cất cánh, vươn tầm cao mới.

Nghị quyết 45 với mục tiêu tổng quát, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I…, với tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4%. Tỉ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 23,7%.

Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiểu là 13%. GRDP bình quân đầu người đạt 14.740 USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 180.000 đến 190.000 tỉ đồng. Cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia).
Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt...; tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỉ đồng; đóng góp của TFP vào GRDP từ 48% - 50%.
Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết, để đạt được mục tiêu như kỳ vọng của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 31/1/2019 về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hải Phòng tiếp tục tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó các nguồn lực xã hội (cả trong nước và ngoài nước) là động lực quan trọng, các nguồn lực Nhà nước giữ vai trò định hướng dẫn dắt.
Hải Phòng cũng đang làm rõ, cụ thể tầm nhìn phát triển thành phố trong thời đại mới – toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối phát triển vùng, cạnh tranh, liên kết vùng, khu vực, thế giới phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục