Nghị định 69/2019/NĐ-CP: Cân bằng lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư dự án BT

18:18' - 16/08/2019
BNEWS Theo Bộ Tài chính, trước đây cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT chỉ có một hình thức thanh toán bằng quỹ đất.
Họp báo chuyên đề “Giới thiệu các nội dụng Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Chiều 16/8, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề “Giới thiệu các nội dung Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Theo Bộ Tài chính, trước đây cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT chỉ có một hình thức thanh toán bằng quỹ đất.

Bộ Tài chính cho rằng, trong quá trình thực hiện cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư dự án BT theo quy định trước đây đã phát sinh nhiều vướng mắc.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.

Nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị định đã bám sát nội dung quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Nghị định này chỉ quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Việc lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng dự án BT được thực hiện theo quy định của pháp luật xây dựng, đầu tư, đối tác công tư, đấu thầu.

Bên cạnh đó, Nghị định này quy định bổ sung việc sử dụng một số loại tài sản công khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT gồm: đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) La Văn Thịnh cho rằng, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Đây là nguyên tắc quan trọng để đảm bảo công bằng lợi ích của nhà nước cũng như nhà đầu tư.
Giá trị tài sản công phải được xác định theo giá thị trường. Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình dự án hoàn thành theo tiến độ chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thầm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư.
Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) về hiệu quả sẽ đạt được của Nghị định trong hạn chế thất thoát vốn nhà nước; căn cứ xác định được giá trị tài sản công theo đúng giá thị trường và trách nhiệm thẩm định dự án…
Giải đáp câu hỏi của các phóng viên, ông La Văn Thịnh nhận định, Nghị định 69 sẽ khắc phục triệt để những sai phạm tại các dự án BT. Những quy định trong Nghị định tôn trọng nguyên tắc cơ chế thị trường và rất công minh nên những sai phạm khó có cơ hội diễn ra.
Nghị định 69/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 1/10/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục