Ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập - Bài 1: Gỡ nút thắt chuỗi sản xuất nội địa

12:47' - 16/07/2019
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, trong bối cảnh đó ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang có những bước đi chiến lược mới.
 
Sản xuất sơn tại Công ty TNHH KCC Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo đó, ngành công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh xác định phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực địa phương gắn với tận dụng chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vấn đề tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp đang là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trên thị trường thương mại tự do. Cùng với đó, ngành công nghiệp cần thích ứng kịp thời với sự bùng nổ của cách mạng khoa học và công nghệ, internet vạn vật, công nghệ 4.0... đang tạo ra xu hướng dịch chuyển trong các lĩnh vực của ngành.
*Chưa sẵn sàng cho cách mạng 4.0
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Đối với đổi mới về công nghệ và sáng tạo, Việt Nam chỉ đứng thứ 90/100, công nghệ nền là 92/100...
Theo Bộ Công Thương, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, vừa là thách thức vừa mang lại cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng, xử lý các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế và tái cơ cấu ngành công nghiệp. Tuy nhiên, khi sự đổi mới này đã đến và gõ cửa, nhưng một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa có một tâm thế vững vàng cho sự thay đổi này.
Nhiều lĩnh vực công nghiệp vẫn còn thiếu dự án quy mô lớn, động lực tăng trưởng truyền thống của ngành chủ yếu là vốn đầu tư. Do đó, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần có những bước đi chiến lược và đầu tư bài bản để phát triển bền vững dựa trên nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đơn cử, phân tích cụ thể của báo cáo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công Thương công bố đã chỉ rõ 5 hạn chế lớn đang cản trở ngành cơ khí Việt Nam; trong đó, ngành cơ khí Việt Nam đang yếu thế về thị trường dù sản phẩm đa dạng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp thiếu thông tin và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh.
Ngay cả tại thị trường nội địa, doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia vào dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng… chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.
Về khoa học công nghệ, ngành cơ khí trong nước có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký, thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Bên cạnh đó, nguyên phụ liệu cho ngành chủ yếu là sắt thép và các loại kim màu, nhưng hầu hết nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu.
Công nghiệp là ngành kinh tế tạo ra sản phẩm phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Ngành liên tục đạt tốc độ tăng trưởng với tỷ trọng cao, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp hóa, đổi mới hoạt động sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh mới.
Tuy nhiên, tốc độ giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2018 tăng 10,2%, trong khi tốc độ của giá trị tăng thêm chỉ tăng 8,79%. Điều này chứng tỏ tỷ lệ chi phí trung gian trong tổng giá trị sản xuất tăng lên, tỷ lệ giá trị tăng thêm giảm, hay hiệu quả ngành công nghiệp giảm.
Vấn đề quan trọng đối với ngành công nghiệp hiện nay cần giải quyết đó là trình độ kỹ thuật – công nghệ của doanh nghiệp còn thấp. Thống kê cho thấy, tỷ trọng số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu là 59,6%; công nghệ trung bình 28,6%; công nghệ trên trung bình 8,8%; còn sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm có 2%.
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng công ty Máy và Sản phẩm Thép Việt Nam cho rằng, trong quy trình sản xuất, doanh nghiệp vẫn chú tâm vào sản xuất, bỏ quên khâu thiết kế, làm thương hiệu, quảng bá và xây dựng kênh phân phối. Cơ cấu khu vực công nghiệp nội địa trong ngành thép chiếm tỷ trọng dưới 50%, còn lại công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, khu vực trong nước chiếm chưa đến 1/4 và chủ yếu còn lại là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp thì tỷ lệ khu vực trong nước còn thấp hơn. Bên cạnh đó, tính lan tỏa giữa công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang công nghiệp nội địa vẫn còn rất hạn chế.
*Những bước đi chiến lược
Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành công nghiệp cả nước duy trì tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm 9,13%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp sản xuất điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để phát triển công nghiệp. Cụ thể, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 879/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, lựa chọn ưu tiên nhóm ngành cơ khí và luyện kim, đầu tư phát triển sản xuất thép chế tạo cho ngành cơ khí (thép tấm, thép hình, thép và hợp kim) và một số nhóm ngành khác.
Đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản yêu cầu nền kinh tế và xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành cơ khí Việt Nam cũng được định hướng phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45%; trong đó, tập trung phát triển một số phần ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp… có khả năng đáp ứng cơ bản những yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu. Những nhân tố mới và yếu tố nền tảng cơ bản sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh, tạo động lực đổi mới sáng tạo, chứ không chỉ dựa vào khai thác nguồn lực tự nhiên, mà dựa vào đổi mới sáng tạo.
Ngành cơ khí, vốn được xem là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất và cũng là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê tại Việt Nam, ngành cơ khí đang có những bước phát triển mạnh mẽ, với số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, từ năm 2010 có khoảng 10.000 doanh nghiệp, đến nay lên hơn 21.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 28% trong tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế tạo.
Ông Phạm Xuân Đà, Cục  trưởng Cục công tác phía Nam, cho biết, dù chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đối với ngành cơ khí chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng đã đạt được những kết quả đáng kể với số lượng doanh nghiệp cơ khí tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD.
Song song đó, một số doanh nghiệp ngành cơ khí đã có những tiến bộ trong hoạt động mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành. Cụ thể, nhiều sản phẩm trước đây Việt Nam phải nhập khẩu, nhưng đến nay doanh nghiệp đã từng bước đồng bộ dây chuyền sản xuất và làm chủ được một số công nghệ./.
Xem tiếp: Bài 2: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ qua kênh xúc tiến đầu tư

>> Việt Nam-điểm đến đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư dệt may Đài Loan (Trung Quốc)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục