Ngân hàng số - Bài 2: Bắt nhịp công nghệ số

08:20' - 08/11/2018
BNEWS Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh đang trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp đầu tư để chuyển đổi và hiện đại hóa. Các ngân hàng thương mại cũng không nằm ngoài dòng chảy này.

Thanh toán trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

Gần đây, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh đang trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp đầu tư để chuyển đổi và hiện đại hóa. Đối với các ngân hàng có lượng khách hàng lớn, việc đầu tư ứng dụng AI càng sớm sẽ càng tăng lợi thế cạnh tranh qua việc giảm chi phí và tăng doanh thu. Đây cũng là điều kiện sống còn trong xu hướng cạnh tranh với các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, không chỉ ở trong nước mà còn từ thế giới.

Theo khảo sát ngành ngân hàng của Tổ chức Vietnam Report, trong quý II/2018, nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam cho biết đã và đang tập trung đầu tư vào công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Có 93% ngân hàng phản hồi rằng, đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số như: Internet Banking, Mobile Banking...; 80% ngân hàng cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng, thu hút lao động trong lĩnh lực công nghệ cao và công nghệ thông tin. Có thể thấy rõ sức nóng của cuộc chạy đua giữa các "đại gia" tài chính ngân hàng trong việc đổi mới, tăng cường ứng dụng AI để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: "Cuộc chơi AI mở rộng cho tất cả các quốc gia, mặc dù mức độ phát triển sâu rộng có thể khác nhau. Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn về công nghệ.

Đồng thời, nằm trong nhóm các quốc gia có khả năng đột phá cao trong giai đoạn phát triển mạnh về số hóa. Việc áp dụng thành công AI trong ngành ngân hàng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, ngoài dữ liệu, máy tính, thuật toán còn cần có tầm nhìn trung và dài hạn của lãnh đạo ngân hàng cũng như hiệu quả quản lý trong quá trình triển khai thực hiện các ứng dụng của AI.

Giáo sư Khương dẫn chứng, theo Báo cáo đánh giá về chỉ số AI 2017, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành tài chính - ngân hàng của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu tính trên số lượng khách hàng, các ngân hàng ở Việt Nam hiện có gần 67 triệu tài khoản thanh toán. Nếu sai số ở mức 10% thì cũng có đến 60 triệu cá nhân có tài khoản ngân hàng. Như vậy, đây là cơ sở dữ liệu rất lớn và hữu ích, là điều kiện thuận lợi để triển khai AI. 

"Tiếc rằng, do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên một số ứng dụng trong ngành ngân hàng như xét duyệt mở tài khoản, tính toán giá trị khách hàng, định giá phí, đề xuất sản phẩm dịch vụ theo hướng cá nhân hóa.... chưa phát huy được hiệu quả tối đa và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp", Giáo sư Khương khẳng định. 

Cùng có chung quan điểm, Thạc sĩ Lê Văn Hinh, Chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin hay tiếp nhận thâm nhập của công nghệ vào khu vực tài chính ngân hàng dường như đang bắt đầu bởi các giải pháp thanh toán và ngân hàng điện tử (ebanking). Qua đó, mức độ thanh toán không dùng tiền mặt đã giảm đi đáng kể. Các dịch vụ ngân hàng điện tử cũng bắt đầu phổ biến nhưng cũng có khá nhiều vụ việc rủi ro đối với ngân hàng và khách hàng đã diễn ra. 

Ông Hinh nhấn mạnh, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với những thay đổi lớn do những thành tựu công nghệ mang lại. Trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và người dùng, tự động hóa các dịch vụ tín dụng; đặc biệt là các dịch vụ tài chính tiêu dùng cá nhân tạo nên sự cạnh tranh lớn không nội bộ khối. Chính vì thế, việc đưa công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vào ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng.

Công nghệ và giải pháp công nghệ sẽ hỗ trợ cho hệ thống giảm chi phí và đem đến sự tiện lợi cho khách hàng, giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, tăng cạnh tranh... Tiến trình này cũng cho phép nền kinh tế giảm mức độ giao dịch bằng tiền mặt. 

Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đang tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,44% vào cuối năm 2017.

Hiện nay, đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai qua điện thoại di động. Cũng đã có nhiều ngân hàng thương mại và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam nghiên cứu, hợp tác và đưa ra các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trác, sử dụng QR code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPos...  

Theo các chuyên gia công nghệ, khó khăn lớn nhất trong việc ứng dụng và triển khai công nghệ của ngành ngân hàng là nằm ở yếu tố bảo mật thông tin và sự khó đồng thuận để chia sẻ thuật toán nhằm bảo vệ dữ liệu khách hàng giữa các ngân hàng với các đối tác Fintech (tài chính công nghệ)...

"Để đối mặt với những thách thức nêu trên, trong năm 2018, ngành ngân hàng tập trung ưu tiên đầu tư vào nền tảng công nghệ, tăng cường quản trị rủi ro về an ninh công nghệ và bảo mật. Đồng thời, phát triển các sản phẩm bán chéo, hợp tác với các công ty bảo hiểm và các Fintech..." Thạc sĩ Hinh nhận định. 

Thêm vào đó, Chuyên gia kinh tế Võ Đình Trí cho rằng, cần có một chiến lược trung và dài hạn cho việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong ngành ngân hàng ở Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng cần tổ chức lại hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có, thu thập thêm thông tin nhưng phải theo các quy định pháp lý liên quan về quyền riêng tư. Từ đó, tổ chức phân loại thông tin, tạo một cơ sở dữ liệu tốt nhất có thể.

Ông Hinh cũng khuyến nghị, các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục cải thiện và nâng cao năng lực quản trị. Mỗi ngân hàng cần có chiến lược tổ chức đủ tầm, đủ mạnh và các mục tiêu, giải pháp rõ ràng như thu hút chiến lược (cho tăng vốn, cải thiện quản lý, công nghệ...); cạnh tranh trong ngành và cạnh tranh với các sản phẩm mới là Fintech.

Song song với đó, các ngân hàng phải từng bước đưa công nghệ vào các nghiệp vụ, phát triển các sản phẩm mới đi đôi với nâng cao uy tín và giữ gìn hình ảnh bằng việc cải tiến sản phẩm, dịch vụ. Vấn đề trách nhiệm xã hội, bảo vệ khách hàng và bảo vệ người tiêu dùng cũng cần được chú trọng./. 

>>>>>>>>>Ngân hàng số - Bài 1: Xu thế của thời đại

>>>>>>>>>>Ngân hàng số - Bài 3: Lấy khách hàng làm trọng tâm

>>>>>>>>>Ngân hàng số - Bài 4: Cái "bắt tay" giữa ngân hàng và Fintech

>>>>>>>>>Ngân hàng số - Bài cuối: Lấp đầy khoảng trống về chính sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục