Ngân hàng Nhà nước: Khách hàng có nhu cầu ngoại tệ chính đáng vẫn được vay

14:59' - 31/03/2016
BNEWS Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù Thông tư 24/2015/TT-NHNN đã có hiệu lực nhưng những đối tượng có nhu cầu chính đáng về vay ngoại tệ thì vẫn được vay như trước đây.

Kể từ hôm nay (31/3/2016), nhóm khách hàng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam sẽ không được vay ngoại tệ theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 24). Những chia sẻ dưới đây của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quốc Dũng với báo giới sẽ làm rõ hơn vấn đề này. 

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: NHNN

Phóng viên (PV): Thưa ông, liên quan đến những qui định tại Thông tư 24, có nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang “siết” lại các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước giải thích như thế nào về điều này? 
Ông Bùi Quốc Dũng: Trước đây, theo Thông tư 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 43), có 4 nhóm đối tượng vay ngoại tệ: thứ nhất là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; thứ hai là cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hai nhóm đối tượng này không giới hạn về mặt thời gian. 
Còn nhóm đối tượng thứ ba, cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Nhóm thứ tư, vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Hai nhóm đối tượng này tại Thông tư 43 có qui định giới hạn thời gian tới 31/12/2015. 
Ngày 8/12/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 24 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và thay thế Thông tư 43. Theo đó, nhóm 1 và 2 được vay bình thường, nhóm 3 được vay không giới hạn thời gian. Riêng với nhóm thứ tư, thời hạn thực hiện đến 31/3/2016. 
Như vậy, theo qui định, những đối tượng có nhu cầu chính đáng về vay ngoại tệ thì vẫn được vay như trước đây. 
PV: Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại ngừng cho vay đối với nhóm đối tượng thứ tư là các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, thưa ông? 
Ông Bùi Quốc Dũng: Như tôi đã nói ở trên, đối tượng không có nhu cầu vay ngoaị tệ, mà chỉ vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước, mục tiêu là họ muốn hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ.

Trước đây có quy định cho vay ngoại tệ là vì trong giai đoạn trước khi nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên để hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước quy định nhóm đối tượng này được vay ngoại tệ qua đó họ sẽ được hưởng mức lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ sau đó họ bán lại cho ngân hàng cho vay để lấy tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. 

Khách hàng có nhu cầu ngoại tệ chính đáng vẫn được vay. Ảnh: Trần Việt-TTXVN


Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, nền kinh tế tăng trưởng tốt. Cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Cho nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ thôi. 
Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này hiện nay vay không được lợi như giai đoạn trước vì muốn hưởng chênh lệch lãi suất thì bản thân chênh lệch lãi suất phải lớn hơn nhiều so với kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá. Nhưng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, cầu về ngoại tệ tăng lên, kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá cũng phải lớn hơn. Do đó cái lợi cho doanh nghiệp hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy nhóm đối tượng vay như thế này hiện còn ít. 
PV: Vậy qui định ngừng cho vay này có ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ không, thưa ông? 
Ông Bùi Quốc Dũng: Thực tế là nhóm đối tượng không tiếp tục được vay không có nhu cầu ngoại tệ mà họ vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước, mục tiêu hưởng lãi suất thấp của tiền vay ngoại tệ. Như vậy, theo Thông tư 24, qui định về thời hạn đến 31/3/2016 với nhóm đối tượng này không tác động nhiều đến nhu cầu sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp. 

Việc dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Ảnh: Trần Việt/TTXVN


Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng xem xét cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu vay vốn này là nhằm giúp doanh nghiêp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, kinh tế trong nước đã từng bước hồi phục.

Vì vậy, để hỗ trợ ổn định tỷ giá, thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, các hoạt động cho vay ngoại tệ cần được hạn chế từng bước, phù hợp với định hướng chuyển dần quan hệ huy động, cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ, nhằm ổn định thị trường.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định, việc dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng nội tệ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục