Ngân hàng Nhà nước cắt giảm, đơn giản hóa 80 trong số 257 điều kiện

15:56' - 18/10/2018
BNEWS Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%).

Thông tin về cải cách hành chính ngành ngân hàng 9 tháng qua và thực hiện Chương trình hành động 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho biết các tổ chức tín dụng đã thực hiện tích cực. Hầu hết các kế hoạch của tổ chức tín dụng được ban hành chi tiết và cụ thể hóa các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động của ngành ngân hàng.

Các ngân hàng tích cực cải thiện quy trình cho vay. Ảnh: NHNN
Cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai hoạt động 30 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 30 chi nhánh với các nghiệp vụ giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi, chuyển tiền... nhằm tăng khả năng phục vụ, thuận tiện cho khách hàng và giảm tải chi phí hoạt động ở những vùng nông thôn nơi Agribank chưa có phòng giao dịch.

Qua 2 năm triển khai, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã ban hành mới/sửa đổi 45 quy trình nghiệp vụ để tiết giảm các thủ tục không cần thiết, tinh gọn các mẫu biểu; cải tiến hàng trăm chức năng trên hệ thống core và bổ sung thêm 50 báo cáo tự động nhằm hỗ trợ người lao động giảm thiểu tối đa quá trình xử lý tác nghiệp.

Trong 2 năm qua, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, 45% số lượng chữ ký của khách hàng, 48% số lượng chữ ký của nội bộ BIDV trên các hồ sơ.

Từ 2016 đến nay, Ngân hàng Quân đội (MB) thực hiện 4 lần cải tiến quy trình tín dụng khách hàng doanh nghiệp, 2 lần cải tiến quy trình tín dụng khách hàng cá nhân, bình quân mỗi năm giảm thời gian phục vụ khách hàng khoảng 20%.

Năm 2017, MB rút ngắn độ dài của hợp đồng tín dụng trung bình từ 9-26 trang xuống còn 6-8 trang, đồng thời chuẩn hóa số lượng hồ sơ khách hàng cung cấp, giảm chữ ký của khách hàng.

Cùng với đó, các ngân hàng cũng rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ tín dụng, thời gian phân bổ cho từng khâu phù hợp hơn. Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sau khi tiếp nhận, rà soát, đánh giá, các đề xuất về giá/phí trong hoạt động kinh doanh của chi nhánh đối với khách hàng được phê duyệt nhanh với thời gian cam kết phản hồi kết quả trong 1 ngày với trường hợp trong thẩm quyền; phản hồi tiến độ xử lý trong 2 ngày với trường hợp vượt hoặc ngoài thẩm quyền.

Thời gian cấp tín dụng tại Chi nhánh BIDV cũng được rút ngắn từ 2-11 ngày (tương đương giảm 13%-65% thời gian) tùy từng loại hình cấp tín dụng; tại Trụ sở chính BIDV rút ngắn từ 3-6 ngày (tương đương giảm 12-38% thời gian).

Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), thời gian thẩm định và cho vay ngắn nhất là 2 ngày làm việc đối với khoản 5 tỷ đồng trở xuống; từ 3 ngày làm việc đối với các khoản trên 5 tỷ đồng. Sau khi dự án số hóa quy trình phê duyệt tín dụng triển khai đo lường được mức độ sai sót trong khâu xử lý giảm đi 50% tại các khâu giúp duy trì được sự ổn định của cam kết với khách hàng.

Thông tin về cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%); trong đó đề xuất cắt giảm hơn 49 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất). Đây cũng thể hiện kết quả rất tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả cải cách hành chính góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá cao, đặc biệt trong năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số 19 Bộ, ngành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục