Ngân hàng "đua" tăng lãi suất, chiêu hút vốn mùa cuối năm?

17:36' - 30/08/2019
BNEWS Lãi suất huy động thời gian gần đây tại một số ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng lên mức 8-8,6%/năm, thậm chí, còn lên tới 9-10,2%/năm đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của một số ngân hàng.
Lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng thời gian gần đây. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động bằng VND hiện nay phổ biến ở mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Tuy nhiên trên thực tế, lãi suất huy động thời gian gần đây tại một số ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng lên mức 8-8,6%/năm, chủ yếu áp dụng cho các kỳ hạn dài. Thậm chí, lãi suất còn lên tới 9-10,2%/năm đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của một số ngân hàng.
Cụ thể, lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hiện nay là 8,6%/năm nhưng chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chỉ cần tham gia mở mới sản phẩm tiền gửi "Tiết kiệm đắc lộc phát" là đã có thể được hưởng mức lãi suất lên tới 8,55%/năm cho các kỳ hạn từ 13 - 36 tháng theo quy định của ngân hàng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất cao nhất ở thời điểm hiện tại là 8,5%/năm dành cho kỳ hạn 24 và 36 tháng khi khách hàng gửi tiền online qua Internet Banking hay Mobile Banking. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) với số tiền gửi mới tối thiểu từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Trong "cuộc đua lãi suất" này còn có sự góp mặt của các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao vượt trội so với các hình thức gửi tiết kiệm khác hiện có. Theo đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) hiện trả lãi tới 9,1%/năm cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn 61 tháng.
Đáng lưu tâm hơn khi Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) dành mức lãi suất thấp nhất từ 9,5%/năm cho chứng chỉ tiền gửi được các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên và cao nhất lên đến 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng.
Đây là mức lãi suất cao nhất trong vòng 7 năm qua đối với tiền gửi VND sau giai đoạn "nóng" hồi những năm 2008-2012 khi lãi suất "chạy đua" lên tới 14-17%/năm.
Trước những diễn biến này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định: "Lãi suất tăng chỉ xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình chứ không phải toàn bộ hệ thống".
Theo TS. Cấn Văn Lực, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín dụng trung dài hạn của nền kinh tế, nhất là trong mùa cuối năm thì nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng cao còn nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống còn 40% từ đầu năm 2019 và giảm còn 30% vào năm 2021. Mặt khác, việc huy động vốn còn nhằm mục đích tăng vốn cấp 2 của ngân hàng (nguồn vốn bổ sung bao gồm vốn dự phòng, các công cụ vốn lai và nợ có thời hạn...), tiến tới đáp ứng chuẩn Basel II vào năm 2020.
"Tuy chỉ mang tính cục bộ nhưng việc lãi suất liên tục tăng cao cũng khiến nhiều nhà băng phải tính cách níu chân khách hàng", Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng chia sẻ.
Dù vậy, cũng theo vị Giám đốc này, khách hàng hiện nay khá bình tĩnh và ưu tiên chọn ngân hàng lớn, uy tín và có mạng lưới chi nhánh rộng khắp để tiện giao dịch thay vì chỉ chạy theo lãi suất.
Theo giới chuyên gia, gửi tiền tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư truyền thống an toàn, nhất là trong thời điểm thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản và đặc biệt là ngoại tệ đang có nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định nếu giá vàng tiếp tục biến động như hiện nay thì có thể dòng vốn của các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang vàng. Dù vậy, giá vàng hiện lên xuống rất bất thường nên các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tránh dùng tiền thu nhập thường xuyên để mua vàng, tránh lướt sóng và cần lưu ý phân bổ đa dạng các kênh đầu tư, tránh "cho trứng vào cùng một giỏ".
Trên thị trường liên ngân hàng, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong tuần giao dịch từ 19 - 23/8, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhích tăng nhẹ lần lượt 0,11%/năm và 0,07%/năm lên mức 3,11%/năm, 3,13%/năm.
Giải thích cho hiện tượng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Thị trường liên ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu vốn ngắn hạn của các ngân hàng. Có thể thời điểm này nhu cầu vốn gia tăng nên lãi suất nhích tăng chứ đây không phải là biểu hiện của mất thanh khoản hay thiếu thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng".
Cũng theo vị chuyên gia này, trừ các ngân hàng lớn có chính sách cho vay ưu đãi thì nếu các ngân hàng phải tiếp tục huy động vốn lãi suất cao như hiện nay thì việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra hoặc nếu muốn giảm lãi cho vay sẽ rất khó khăn.
Mới đây, trước những diễn biến "nóng" về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi văn bản cảnh báo rằng động thái tăng lãi suất làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định và mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm./.
>> Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn: Khó thiết lập mặt bằng lãi suất mới

>> Nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay lần thứ 2 trong năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục