Ngân hàng - doanh nghiệp: Nỗ lực tìm điểm kết nối

13:27' - 16/04/2019
BNEWS Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lâu nay vẫn được ví như một "vòng tròn lẩn quẩn" và để giải quyết được cần có sự nỗ lực từ cả hai phía.

Sáng 16/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lâu nay vẫn được ví như một "vòng tròn lẩn quẩn" và để giải quyết được điều này cần có sự nỗ lực từ cả hai phía.

Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.

Một bài toán khó hiện nay là do doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến ngân hàng.

Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Hoặc các doanh nghiệp không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Bà Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, doanh nghiệp rất cần vốn, ngân hàng cũng rất cần giải ngân, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo bà Hằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp.

“Doanh nghiệp hiện đang vay vốn với mức lãi suất khá thấp nhưng cần phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, có bao nhiêu tài sản đều đã mang đi thế chấp nên nếu muốn mở rộng sản xuất thì rất khó khăn. Ngân hàng yêu cầu có sổ tiết kiệm ngân hàng thì thế chấp bằng chính tài khoản tiết kiệm đó. Nhưng nếu có tiền tiết kiệm ngân hàng, chúng tôi đã không phải đi vay. Hoặc mang sổ đỏ đi thế chấp thì phải có sự đồng ý của cả gia đình. Tôi đã từng mang sổ đỏ giá trị gần 10 tỷ đồng đi vay 300 triệu nhưng không được chấp nhận do thiếu chữ ký vì chồng đi nước ngoài, dẫn đến lỡ cơ hội của doanh nghiệp. Đây là vòng luẩn quẩn cần được các ngân hàng tháo gỡ”, bà Hằng nói.

Bên cạnh đó, bà Trần Thu Hằng cũng cho biết, thủ tục ngân hàng khó nên khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ ngại vay vốn ngân hàng nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen.

Bà Trần Thu Hằng đề nghị, ở một góc độ nào đó, đề nghị ngân hàng có các giải pháp để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, nút thắt của vấn đề này là do tâm lý của doanh nghiệp cho rằng vay vốn từ ngân hàng không dễ và điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp luôn không đủ. Trong khi đó, các ngân hàng thì vẫn tư duy về tính an toàn cao, ngân hàng hầu như chưa coi khách hàng là đối tượng cần phục vụ, việc nhân viên lăn lộn với khách hàng như nhiều loại hình kinh doanh khác còn hạn chế .

Ông Nguyễn Văn Thân cũng chỉ ra rằng, vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời, cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.

Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, từ năm 2014 đến nay trên toàn quốc, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195 nghìn doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Theo ông Trần Văn Tần, tại địa bàn Hà Nội, trong năm 2018, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay mới 120 nghìn tỷ đồng cho 10.310 doanh nghiệp trên địa bàn với lãi suất cho vay phổ biến từ 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 12.150 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 doanh nghiệp.

Chương trình kết nối với doanh nghiệp đã góp phần giúp Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 16,94%, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 311.696 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 7,37%.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tần, các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, trong chính sách điều hành tín dụng năm nay, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, dù phải thắt chặt tín dụng như thế nào thì ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục