Ngân hàng có đang sở hữu chéo trái phiếu của nhau?

19:38' - 03/09/2019
BNEWS Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 8 tháng đầu năm 2019.
Ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công cao nhất (99,6%). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo SSI, trong 8 tháng qua, tổng lượng chào bán trái phiếu doanh nghiệp là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường đạt 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại vẫn là chủ thể phát hành lớn nhất, với tổng giá trị phát hành 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỷ đồng (chiếm 3,8%); còn lại là các doanh nghiệp khác.
Ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công cao nhất (99,6%). Ngoại trừ SeABank có 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6/2019 là 1.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng không bán hết (lượng phát hành tương ứng 950 tỷ đồng và 700 tỷ đồng), tất cả 10 ngân hàng thương mại còn lại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán.
Các ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu nhất có thể kể đến là VPBank phát hành 13.860 tỷ đồng; trong đó có 300 triệu USD trái phiếu quốc tế. Tiếp đó là HDBank với 11.600 tỷ đồng; ACB là 7.850 tỷ đồng…
Thống kê của SSI cho thấy, hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6.75%/năm và 3.3 năm. Chỉ có 3.900 tỷ đồng trái phiếu nhóm này có lãi suất thả nổi. Trong đó, gồm 2.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 3 năm của ABBank có mức lãi suất năm đầu là 6.5%/năm và các năm sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau của các ngân hàng thương mại nhà nước; 1.400 tỷ trái phiếu lãi suất thả nổi còn lại là trái phiếu kỳ hạn dài 5-10 năm của BID, CTG, Seabank và VIB.
Cũng theo SSI, trong khối các nhà đầu tư trong nước, các công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất với tổng lượng mua 29.447 tỷ đồng, chiếm 25.4% tổng lượng phát hành; trong đó, mua 22.900 tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành.
Đáng lưu ý, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán. Bản thân các công ty chứng khoán này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn nên khả năng cao các công ty chứng khoán chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp chứ không phải là người mua cuối cùng.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỷ. Con số này khá tương đồng với lượng trái phiếu các ngân hàng thương mại đã phát hành. Với mức lãi suất trung bình chỉ 6.72%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn – nhóm có lãi suất huy động thấp nhất thì trái phiếu của các ngân hàng thương mại hầu hết không hấp dẫn với các nhà đầu tư thông thường. Thêm vào đó, đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán trực thuộc các ngân hàng.
Do vậy, SSI nhận định, rất có thể các ngân hàng thương mại đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng mua vào 10.210 trái phiếu, tương đương 8.8% tổng lượng phát hành; trong đó chủ yếu là mua các trái phiếu bất động sản và phát triển hạ tầng.
Căn cứ số liệu trên bảng cân đối kế toán tại 30/6/2019 tại các ngân hàng thương mại niêm yết, tổng số trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng nắm giữ là gần 230.500 tỷ đồng, tăng 65.000 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Trong đó, một số ngân hàng tăng rất mạnh là STB, CTG, SHB, MBB. Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất vẫn là TCB với số dư là 60.663 tỷ đồng.
Thực tế, so với cho vay, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn, vì các ngân hàng thương mại có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, SSI cho rằng, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác.
Để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

>>> Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục