NATO 70 tuổi: Tương lai châu Âu sẽ như thế nào

05:30' - 20/04/2019
BNEWS Đầu tháng này, 29 Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO (sắp tới sẽ là 30) gặp nhau tại Washington để kỷ niệm 70 năm Hiệp ước Washington ra đời, theo đó ngày 4/4/1949 NATO được thành lập.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Bàn về tương lai châu Âu trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập, Giáo sư Alan Kafruni, Trường Hamilton College (Mỹ) có bài phân tích mang tựa đề “NATO 70 tuổi: Tương lai châu Âu sẽ như thế nào?” đăng trên trang mạng ru.valdaiclub.com.

Đầu tháng này, 29 Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO (sắp tới sẽ là 30) gặp nhau tại Washington để kỷ niệm 70 năm Hiệp ước Washington ra đời, theo đó ngày 4/4/1949 NATO được thành lập.

Châu Âu hiện đang hứng chịu các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đó là “vết thương” Brexit với tổn thất kinh tế rất lớn đối với toàn bộ khu vực; sự giảm tốc đáng lo ngại của nền kinh tế châu lục, khiến lượng bán ô tô tại Đức sụt giảm mạnh. 

Thêm vào đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp đặt 25% thuế đánh vào ô tô nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) càng khiến tình hình trở nên trầm trọng. 

Trong khi đó Hội nghị thượng đỉnh thường niên EU - Trung Quốc lần thứ 21 diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang bị Ủy ban châu Âu nhìn nhận không chỉ với tư cách “đối tác hợp tác”, mà còn là “đối thủ cạnh tranh kinh tế” và “đối thủ hệ thống”.

Khi nỗ lực chống lại sự yếu ớt bên ngoài của châu Âu và sự rệu rạo bên trong, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “tự trị chiến lược” dưới hình thức “Quân đội châu Âu đích thực”, để “bảo vệ chúng ta khỏi Nga, Trung Quốc và thậm chí là Mỹ”. 

Để đáp trả các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ, nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran (một trong những chiến thắng quan trọng nhất của châu Âu), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cam kết ấn định đồng euro với tư cách đồng tiền dự trữ quốc tế. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi châu Âu “đấu tranh cho sự đa dạng”.

Bất chấp những mục tiêu to lớn và phi thực tế này, ở Washington không có bất cứ biểu hiện nào dù nhỏ nhất đối với quyền tự trị của châu Âu. Nằm dưới "hỏa lực chéo" cạnh tranh Mỹ - Trung và rơi vào cái bẫy chế độ kinh tế hà khắc do Đức dẫn đầu, thực tế là sức mạnh toàn cầu của châu Âu đã xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956.

Do lo ngại cơn thịnh nộ của Tổng thống Mỹ Trump, các quan chức NATO đã quyết định không mời lãnh đạo chính phủ và nhà nước đến Washington, thay vào đó dự kiến tổ chức buổi lễ nữa tại London vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, người Mỹ, và ngay cả ông Trump, phần lớn đều có tâm trạng muốn dàn hòa. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận sự trung thành tuyệt đối của Mỹ đối với NATO. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã được mời đến Nhà Trắng. Sau khi thể hiện sự hài lòng với việc các đồng minh châu Âu tăng chi phí quốc phòng, Tổng thống Mỹ tuyên bố đã “đạt được tiến bộ lớn”.

Ông Stoltenberg được đón chào bằng những tràng pháo tay tại phiên họp chung Quốc hội Mỹ, nơi ông kêu gọi tiếp tục mở rộng NATO và tăng cường quân đội trước việc “Nga tăng cường ồ ạt sức mạnh quân sự từ Bắc cực đến Địa Trung Hải và từ Biển Đen đến Baltic”. 

Theo bài viết, sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng dành cho NATO không phải chỉ vì ý nghĩa chiến lược của liên minh mà còn do công thức đề cao tính chất độc nhất của NATO. Tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ của Mỹ liên tục vận động hành lang mở rộng hoạt động quân sự “bên ngoài hoạt động của NATO”, chiếm lĩnh vị trí chi phối trên thị trường vũ khí xuyên Đại Tây Dương (và toàn cầu).

Bất chấp những lời lẽ khoa trương chống NATO ban đầu của ông Trump, nhưng dưới thời của ông, NATO liên tục mở rộng các chiến dịch của mình và hiện diện toàn cầu. Các nước thành viên NATO mới đây đã nhất trí xác nhận quyết định được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest 2008 rằng Ukraine và Gruzia cuối cùng sẽ gia nhập NATO. Và trước chuyến đi đến Washington, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã tham dự cuộc tập trận kéo dài 12 ngày tại Gruzia. 

NATO đã triển khai nhiều tiểu đoàn có khả năng chiến đấu tốt tại Baltic và Ba Lan, nơi đồn trú hơn 4.000 binh sĩ Mỹ, và đang tiến hành thảo luận xây dựng căn cứ thường trực của Mỹ. NATO tăng cường các hoạt động hải quân tại Biển Đen và bắt đầu cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. 

Ngoài ra, thực chất NATO đã biến thành liên minh toàn cầu, cho phép Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự tại châu Phi, châu Á và Trung Đông thông qua các mạng lưới căn cứ và điểm trung chuyển tại 41 quốc gia đối tác. Sau chuyến thăm Washington của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi tháng Ba vừa qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố Brazil cần phải xem xét tư cách thành viên NATO trong tương lai.

Dù sao đi nữa, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO cũng không thể làm ngơ trước hai cuộc xung đột nghiêm trọng trong nội bộ liên minh. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Mỹ phản đối đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, sau khi tuyên bố rằng “có thể biến nền kinh tế Đức thành con tin của Nga hiểu theo đúng nghĩa này”. 

Đức đã phải nhượng bộ khá nhiều, đã xây hai kho cảng để nhập khí hỏa lỏng của Mỹ và đồng ý tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Tuy nhiên, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vẫn là “giới hạn đỏ” đối với nhà nước Đức, cũng như đối với ngành công nghiệp Đức, khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp Đức sẽ bị yếu đi nếu Berlin buộc phải nhập khí hóa lỏng từ Mỹ. 

Đức cũng đã đáp trả một cách cương quyết đối với de dọa chưa từng có tiền lệ của Tổng thống Pháp Macron đưa dự án này vào tầm kiểm soát của Ủy ban châu Âu nếu  Pháp không nhận được ngân sách Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng thêm. Cuộc xung đột này thêm một dấu hiệu nữa của “hoàng hôn” quan hệ đối tác Đức – Pháp.

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ cam kết của mình để mua tổ hợp phòng không hiện đại S-400 của Nga đe dọa tư cách thành viên của nước này trong NATO và khả năng tồn tại căn cứ không quân Incirlik, nơi có các kho vũ khí hạt nhân chiến lược của NATO. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ông Mevlut Cavusoglu khi thăm Washington đã khẳng định rằng “thỏa thuận mua S-400 là sự thật đã được kiểm chứng”. Tuy nhiên, Mỹ đe dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình mua sắm máy bay tiêm kích F-35, một dự án công nghiệp quan trọng. Washington cũng gần như chắc chắn sẽ áp đặt các biện pháp hà khắc chống lại lĩnh vực tài chính vốn mong manh của nước này, nếu việc mua S-400 tiếp tục được thực hiện. 

Người Mỹ chưa chắc đã tán thành với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sẽ rất khó khăn tìm được sự thỏa hiệp, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển động theo hướng hợp tác sâu rộng hơn với Nga.

Mặt khác, vấn đề Trung Quốc tiếp tục làm đau đầu các bộ trưởng châu Âu. Thậm chí khi Ủy ban châu Âu có lập trường cứng rắn hơn trong thương mại với Trung Quốc, điều đã thôi thúc ông Macron tuyên bố “châu Âu tỉnh giấc”, Italy trở thành nước đầu tiên trong Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tham gia dự án “Vành đai và Con đường” (BRI). 

Sau Hội nghị thượng đỉnh EU- Trung Quốc, diễn ra ngày 9/4 tại Brussels trong tuyên bố chung nhấn mạnh thỏa thuận về hạn chế trợ cấp, ép buộc chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường được coi là những nhượng bộ lớn từ phía Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, sau Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (còn gọi là Cơ chế Hợp tác 16+1) với sự tham gia của 11 nước thành viên EU tại thành phố Dubrovnik (Croatia) hôm 12/4.

Mối quan tâm đối với việc soạn thảo biện pháp đáp trả toàn diện của NATO với những hành động của Trung Quốc đang tăng lên. Biện pháp này lần đầu tiên được ông Stoltenberg đưa ra tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra vào tháng Một và nhận được sự ủng hộ của các quan chức Mỹ và Đức. 

Biện pháp đáp trả như thế sẽ phù hợp với xu hướng đang hình thành đối với nút thắt dựa trên cơ sở chiến lược kiềm chế của Mỹ. Mặt khác, Mỹ và EU hợp tác với nhau chống lại Trung Quốc trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm vận cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, doanh nghiệp Đức vẫn ồ ạt mặc dù bị hạn chế hiện diện tại Trung Quốc.

Châu Âu càng dễ bị tổn thương hơn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hơn so với Mỹ, và do đó, không sẵn sàng thách thức Trung Quốc, ví dụ như loại tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei khỏi các dự án triển khai mạng 5G. Trong khi đó hợp tác xuyên Đại Tây Dương đang ngày càng ảm đạm do các cuộc xung đột thương mại.

Bài viết kết luận châu Âu hiện đang suy yếu vẫn sẽ bị kẹp giữa hai siêu cường kinh tế. "Lục địa Già" không thể hành động về mặt chiến lược và do đó sẽ vẫn phụ thuộc vào Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục