Nâng tầm thương hiệu khoai tây Quế Võ

16:02' - 14/01/2020
BNEWS UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 27 sản phẩm chủ lực theo Chương trình Mỗi xã sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020 (Chương trình OCOP); trong đó, có khoai tây Quế Võ.
Người dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng chuyên canh khoai tây quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cách làm mới trên những cánh đồng cũ đã bước đầu mang lại "trái ngọt" và tạo ra "điểm sáng" trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Mô hình trồng khoai tây vụ Đông của gia đình anh Nguyễn Văn Nam, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của những người trồng khoai tây, với lợi nhuận hàng tỷ đồng/vụ, từ việc trồng hàng chục hecta khoai tây.

Thành công của anh Nam là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Anh Nam cho biết, năm 2012, gia đình anh bắt đầu trồng khoai tây vụ Đông.

Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng khoai tây mang lại, những năm sau đó, gia đình anh đã mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, anh Nam nhận thấy nhiều diện tích đất sản xuất vụ Đông trên địa bàn huyện Quế Võ bị bỏ hoang, sản xuất manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoai tây của người dân, cũng như tiêu thụ ngày càng lớn.

Năm 2017, anh Nam đã thành lập ra Hợp tác xã nông nghiệp xanh, để xây dựng những vùng sản xuất khoai tây quy mô lớn. Mô hình này, bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh.

Anh Nam cho biết, vụ Đông năm nay, Hợp tác xã sản xuất 80 ha khoai tây; trong đó, nhiều nhất là tại xã Đào Viên (50 ha), xã Bồng Lai (20 ha) và xã Ngọc Xá (10ha). Với năng suất bình quân từ 20-22 tấn/ha, trừ chi phí, Hợp tác xã thu lãi khoảng 2 tỷ đồng/vụ.

Qua đó, tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày, từ việc trồng, thu hoạch khoai tây.

Niềm vui lớn nhất của anh Nam khi năm 2019, Hợp tác xã của anh được khai thác nhãn hiệu tập thể với logo mang tên "Khoai tây Quế Võ", cùng tem truy xuất nguồn gốc phục vụ cho các hoạt động giao dịch, ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Đây là "phần thưởng" xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh Nam trong việc gìn giữ và phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ.

Thời gian tới, anh Nam sẽ tiếp tục đi khảo sát các diện tích đất tại huyện Quế Võ và các huyện lân cận để mở rộng sản xuất. Dự kiến, vụ Đông tới, Hợp tác xã sẽ sản xuất khoảng 100 ha khoai tây.

Vụ Đông năm nay, gia đình anh Đỗ Xuân Nghĩa, ở thôn Hôm, xã Đào Viên, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) trồng 10 ha khoai tây. Đến nay, gia đình anh đã cơ bản thu hoạch xong diện tích để trả mặt bằng cho người dân sản xuất lúa vụ Đông Xuân.

Anh Nghĩa cho biết, đây là năm thứ hai, gia đình anh mượn đất của người dân trong xã để trồng khoai tây. Nhờ chủ động nguồn giống, tuân thủ đúng kỹ thuật canh tác nên khoai tây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất từ 6-7 tạ/sào, cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Theo anh Nghĩa, trước đây, người dân trong vùng chưa chú trọng trồng cây vụ Đông mà chỉ trồng 2 vụ lúa mỗi năm. Tận dụng những diện tích này, gia đình anh đã mượn đất để trồng khoai tây.

Việc làm này không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương lúc nông nhàn mà còn cải tạo đồng ruộng, giúp tăng năng suất lúa khi chuyển vụ.

"Chính điều kiện khí hậu thuận lợi, cộng với chất đất xốp, pha cát nhẹ thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây khoai tây. Đặc trưng của khoai tây Quế Võ, củ to đều, có màu vàng óng, da nhẵn bóng, vị thơm bùi, bở, đã tạo nên thương hiệu cho khoai tây nơi đây", anh Nghĩa nói.

Những năm trước đây, do việc canh tác kém hiệu quả nên đến vụ Đông, ruộng của gia đình bà Đỗ Thị Hồng, ở thôn Thi, xã Đào Viên, huyện Quế Võ thường bỏ hoang. Được chính quyền địa phương quán triệt chủ trương cho các hộ mượn đất để trồng khoai tây, cải tạo đồng ruộng, gia đình bà Hồng đã đồng tình ủng hộ.

Bà Hồng chia sẻ, trước đây, mỗi  khi đến vụ Đông gia đình bà và các hộ dân trong xã thường trồng những loại cây như bí ngô, đậu tương, ngô, tuy nhiên, các loại cây này cho năng suất không cao. Vụ Đông canh tác không hiệu quả nên hầu hết các diện tích đất của địa phương thường bị bỏ hoang.

Tận dụng lợi thế này, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mượn đất để trồng cây khoai tây vụ Đông. Việc làm này không chỉ giúp cải tạo đất mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân địa phương lúc nông nhàn. Hiện, bà Hồng và nhiều người dân trong xã có thu nhập 200.000 đồng/ngày, từ việc thu hoạch khoai.

Người dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, vụ Đông năm nay, toàn huyện trồng khoảng 2.300 ha; trong đó, cây khoai tây là gần 1.800 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Bằng An, Nhân Hòa, Việt Hùng, Quế Tân, Đào Viên, Phù Lương, Bồng Lai, chủ yếu là giống khoai Marabel (nhập từ Đức). Năng suất bình quân đạt từ 18-20 tấn/ha.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ cho biết, mặc dù, huyện đã có chủ trường dồn điền đổi thửa để sản xuất, tuy nhiên, diện tích vẫn còn tình trạng manh mún, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và huyện Quế Võ đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thay đổi phương thức sản xuất. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Năm 2019, toàn huyện Quế Võ đã tích tụ ruộng đất khoảng 4.000 ha, để xây dựng những cánh đồng mẫu lớn; trong đó, chủ lực là cây khoai tây, với khoảng 1.000 ha. "So với sản xuất nông nghiệp truyền thống, việc tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Hiệu quả nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất đến thu hoạch, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích", ông Bình nói.

Theo ông Bình, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có những chính sách hỗ trợ việc tích tụ ruộng đất, với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật, bổ sung kiến thức quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản khoai tây; từ đó, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo quản nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vùng sản xuất giống chất lượng…

Để nâng tầm thương hiệu khoai tây Quế Võ, thời gian tới, huyện Quế Võ tiếp tục mở rộng, phát triển sản xuất an toàn, sản xuất VietGap, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong việc cơ giới hóa sản xuất và bảo quản sản phẩm. Đồng thời, thực hiện việc xúc tiến thương mại thông qua việc xây dựng những điểm bán hàng, cũng như quảng bá phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ đến với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và người tiêu dùng.

Hiện, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 27 sản phẩm chủ lực theo Chương trình Mỗi xã sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020 (Chương trình OCOP); trong đó, có khoai tây Quế Võ.

Theo đó, sản phẩm khoai tây Quế Võ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bắc Ninh; xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các hộ sản xuất khoai tây còn được hỗ trợ triển khai các hình thức tổ chức sản xuất; huy động nguồn lực tài chính, nguồn vốn để thực hiện../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục