Nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

10:34' - 18/01/2018
BNEWS Với những kết quả xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bắc Ninh đã có 73/97 xã và 2 đơn vị cấp huyện là: huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí.

Bắc Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, điểm nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh là việc tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ mục đích, nội dung về xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, đến nay các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tự nguyện đóng góp 631 tỷ đồng và 13.175 ngày công, hơn 150.000 m2 đất để xây dựng các công trình công cộng tại các địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Trượng cho biết, đến nay, 100% số xã hoàn thành quy hoạch tổng thể và quy hoạch sử dụng đất; 89/97 xã lập quy hoạch khu trung tâm xã, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và đề án xây dựng nông thôn mới (còn 5 xã của thị xã Từ Sơn và 3 xã của thành phố Bắc Ninh thực hiện quy hoạch đô thị nên không lập quy hoạch khu trung tâm xã, quy hoạch sản xuất nông nghiệp).
Lâm Thao là một trong những xã khó khăn của huyện Lương Tài, đến cuối năm 2017, Lâm Thao cơ bản hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới đúng hẹn.
Ông Đỗ Hải Long, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình, xã chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Với quyết tâm cao nhất, năm 2017, Lâm Thao tập trung huy động nguồn lực thực hiện những tiêu chí cuối cùng về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa…”.
Đến nay, các tuyến đường liên xã, liên thôn và ngõ, xóm đều được bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp, tạo diện mạo làng quê khởi sắc; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đáp ứng tốt cho sản xuất và nhu cầu dân sinh. Thu nhập trung bình/người của xã lên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12% (theo chuẩn mới).
Là 1 trong 2 địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện trong năm 2018, huyện Gia Bình đang tập trung mọi nguồn lực để đạt mục tiêu này. Để người dân đồng lòng tham gia thực hiện chương trình, huyện tăng cường tuyên truyền nội dung các tiêu chí từ đó vận động hưởng ứng phong trào.

Có nhiều thời điểm, khắp các xóm, thôn giống như những công trường. Nơi tổ chức làm đường giao thông nông thôn, nơi xây dựng nhà văn hóa, nơi kiên cố hoá trường học…
Đến nay, toàn huyện có 10/13 xã đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng lên, đạt 120 triệu đồng/năm/ha canh tác, (tăng 2,5 lần so với những năm đầu tái lập huyện); giá trị nuôi trồng thuỷ sản trên 1 ha đạt gần 300 triệu đồng/năm (tăng gần 200 triệu đồng so với năm 2000)...
Sau gần 7 năm, toàn tỉnh đầu tư xây dựng hơn 1.000 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch, chợ nông thôn…) làm thay đổi cơ bản cảnh quan, môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Nhờ đó, đến nay đã có 59/97 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 58 xã so với năm 2010; 100% số xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 85% chiều dài đường giao thông liên thôn, đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa...
Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, việc quy hoạch và vùng sản xuất hàng hóa được quan tâm chỉ đạo như: khoai tây (Quế Võ) cho thu nhập từ 70-90 triệu đồng/ha/vụ; cà rốt sông Thái Bình (Lương Tài) cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/vụ; cà chua 180 triệu đồng/ha/vụ tại Trung Nghĩa (Yên Phong)… Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai ở 55 xã, phường, thị trấn. Các huyện có số xã ứng dụng công nghệ cao nhiều trong sản xuất nông nghiệp là: Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du...
Ông Nguyễn Khắc Đạm, cơ quan thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Gia Bình khẳng định: “Hiện nay, chúng tôi đang phấn đấu, quyết tâm "về đích" nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra. Đối với các xã đã được công nhận, huyện chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đối với 3 xã chưa đạt, địa phương tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Theo ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án theo đúng kế hoạch, lộ trình chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều địa phương đã làm tốt quy hoạch tổng thể (không gian) xã, quy hoạch sử dụng đất và tổ chức công bố rộng rãi đến người dân. Một số địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sát với tình hình thực tế của địa phương. Nhờ vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã tạo được sự tin tưởng và hưởng ứng của đoàn thể và nhân dân.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động tối đa nguồn vốn hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình gắn với tiêu chí trở thành quận, phường; trong đó ưu tiên nguồn vốn cho các xã đăng ký đạt chuẩn và các tiêu chí thiết yếu phục vụ trực tiếp đời sống, sinh hoạt của người dân.

Quan trọng hơn, các địa phương sẽ phải không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, làm cho những thành quả nông thôn mới đi vào chiều sâu để người dân cảm thấy thực sự hài lòng với ý nghĩa nông thôn mới mang đến, ông Đại nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục