Nâng cao trách nhiệm trả nợ của ngư dân vay vốn đóng tàu 67

11:44' - 13/06/2018
BNEWS Do áp lực lớn từ nợ quá hạn, nợ xấu, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng quyết định thanh lý tàu, thu hồi vốn vay.
Ngư dân đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Do áp lực lớn từ nợ quá hạn, nợ xấu khi ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng quyết định thanh lý tàu, thu hồi vốn vay.

Triển khai Nghị định 67, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Quảng Nam đã ký 46 hợp đồng tín dụng, giải ngân vốn để ngư dân đóng mới 46 tàu công suất lớn để khai thác thủy hải sản xa bờ. Ông Phạm Đình Dũng - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này đã có nhiều trường hợp nợ quá hạn, rất khó thu hồi vốn vay.

Một số trường hợp như tàu vỏ thép QNa-93089 của ngư dân Nguyễn Đình Châu, phường Cẩm Nam, thành phố Hội An nằm bờ rất lâu, không thể xoay xở trả nợ. Việc ông Châu không thể trả nợ trong thời gian tới thì sang năm ngân hàng có thể sẽ khởi kiện, thanh lý tàu để thu hồi vốn vay - ông Dũng chia sẻ.

Đại diện của Agribank chi nhánh Quảng Nam cho rằng, mặc dù đã gia hạn thời gian trả nợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép, composite từ 11 năm lên 16 năm nhưng Ngân hàng Nhà nước cần gia hạn thêm thời gian trả nợ lên 20 năm và cho phép cơ cấu lại nợ nhiều lần trong năm.

Theo kế hoạch, mỗi năm Agribank chi nhánh Quảng Nam thu nợ 1 tỷ đồng đối với chủ tàu vỏ thép nhưng thực tế ngư dân không kham nổi nên chỉ thu được vài trăm triệu và cần gia hạn thêm thời gian trả nợ. Như vậy, ngư dân mới không bị nợ xấu.

Giải pháp tốt nhất là UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động để nâng cao trách nhiệm trả nợ của ngư dân khi đến hạn. Hiện đã có quá nhiều trường hợp chủ tàu vỏ thép, composite hiện đại nhưng sản xuất thua lỗ là rất đáng tiếc. Để hỗ trợ ngư dân, ngành thủy sản cần xây dựng 1 chuyên đề riêng về “tàu 67”, thường xuyên theo dõi, cập nhật, quản lý và đề xuất các giải pháp để các chủ tàu sản xuất hiệu quả hơn.

Đây là vấn đề trọng yếu không chỉ đối với ngành thủy sản mà còn liên quan đến ngân hàng, kinh tế biển, thu nhập ngư dân và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần phối hợp với lực lượng biên phòng không cho xuất bến đối với tàu cá của các ngư dân chây ỳ trả nợ; phải xử lý mạnh để răn đe chứ nếu chây ỳ lây lan, ngư dân không chịu trả nợ thì rất khó cho các ngân hàng thu hồi vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục