Nâng cao năng lực cạnh tranh: Chính phủ và doanh nghiệp hợp sức

11:47' - 29/11/2019
BNEWS Việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh được thực hiện triệt để và thực hiện cải cách là mục tiêu xuyên suốt, liên tục của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Việc Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng bậc trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu so với năm 2018 cho thấy quyết tâm và các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ, ngành bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu rất cần hành động cụ thể và sự hợp tác, nỗ lực cao từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Số lượng đăng ký doanh nghiệp trong những tháng qua tăng nhanh và tiếp tục đạt mức kỷ lục mới. Vậy ông dự báo thế nào về "sức khỏe" của những doanh nghiệp mới ra đời này?
Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu: Đây là một minh chứng thực tế cho thấy việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh được thực hiện triệt để và thực hiện cải cách là mục tiêu xuyên suốt, liên tục của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, Chính phủ, cơ quan chức năng đều đã khẳng định được kết quả, tác động tích cực trong cải cách, vì doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN.


Tâm lý xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề khởi nghiệp cùng niềm tin vào tương lai kinh doanh liên tục gia tăng, biểu thị sự đồng thuận và ghi nhận kết quả tích cực trong chất lượng môi trường kinh doanh. Đây cũng sẽ là những hậu thuẫn để doanh nghiệp ra đời, phát triển trong thời gian tới.
Phóng viên:Thời gian qua, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được Chính phủ rất chú trọng quan tâm nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa "hội nhập" thành công, theo ông nguyên nhân do đâu?
Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu: Theo tôi, sự hỗ trợ dù liên tục, có hiệu quả từ Chính  phủ, các bộ, ngành là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng đó là yếu tố cần chứ chưa đủ để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững và hội nhập thành công. Yếu tố "đủ" ở đây phụ thuộc vào chính mỗi đơn vị, công ty và do bản thân doanh nghiệp tự quyết. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp thiếu nội lực, thiếu khả năng thích ứng và sáng tạo thì rất khó trụ lại trên thương trường.
Chúng ta cần lưu ý rằng, trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi Việt Nam gia nhập, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì mức độ cạnh tranh tăng lên rất nhanh, gây sức ép đối với mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh. Do đó, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải ý thức rõ rằng mình phải cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, chứ không chỉ ở Việt Nam thuần túy. Đây là vấn đề cần cảnh báo cũng như để khuyến nghị mỗi doanh nghiệp tự đặt câu hỏi là đơn vị mình đã tham gia được bao nhiêu phần trăm của chuỗi giá trị/cung ứng toàn cầu ?
Phóng viên:Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể hiện được điểm mạnh và vẫn còn "yếu" khi gia nhập thị trường quốc tế, thưa ông ?
Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu: Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đạt những kết quả đáng ghi nhận, xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Tuy vậy, số doanh nghiệp đó chưa nhiều. Tôi vẫn thấy rất khó nêu ra được thế mạnh của doanh nghiệp Việt khi cạnh tranh với đối thủ nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhìn chung, doanh nghiệp còn yếu, chủ yếu tham gia thị trường bằng các công đoạn lắp ráp, gia công và dường như chưa hề bước vào chặng đường nghiên cứu và phát triển. Những hạn chế từ lâu về vốn, công nghệ, nhân lực...sẽ càng dễ bộc lộ hơn khi gặp tình hình khó khăn hoặc thách thức mới xuất hiện. Điều này lại gây ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của mỗi doanh nghiệp cụ thể.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa làm tốt quá trình chuẩn bị gia nhập thị trường, chưa có giải pháp tận dụng thời cơ và chống chịu trước những bất lợi cũng như sự thay đổi đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Đơn cử, mới có 27% số doanh nghiệp hiểu một cách sơ bộ về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chỉ có 14% đơn vị sẵn sàng tham gia cuộc chơi này.
Ngoài ra, thực trạng quản trị doanh nghiệp cũng đang là vấn đề đáng quan ngại. Quản trị yếu kém là mầm mống tranh chấp nội bộ, tác động tiêu cực đến phát triển dài hạn và bền vững, giảm năng lực cạnh tranh và khó khăn trong thu hút vốn đầu tư. So sánh với các nước xung quanh thì chúng ta ở mức độ rất thấp và có khoảng cách rất xa để có thể bắt kịp. Điều đáng nói thêm là nâng cao quản trị doanh nghiệp là một quá trình đòi hỏi thời gian, không thể làm nhanh…
Phóng viên:Vậy, theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua những khó khăn và thách thức đang phải đối mặt?
Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu: Theo tôi, trước hết, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ từng bước đi cụ thể của mình. Đặc biệt để tiến lên công đoạn tạo giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì trước hết mỗi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất của chính mình và lớn hơn là cạnh tranh với các quốc gia khác. Bên cạnh những mặt tích cực, lợi thế, tôi cho rằng để tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu doanh nghiệp cần phải vượt qua những khó khăn đang đối mặt.
Như vậy, ngoài những mục tiêu ngắn hạn thì các doanh nghiệp nên tập trung vào mục tiêu dài hạn; xác định rõ con đường mình đã bước vào và sẽ đi trong tương lai. Ở đây cần có sự chuẩn bị chu đáo và tầm nhìn của chủ doanh nghiệp, đồng thời nó thuộc về vấn đề quản trị. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam vì đến nay khả năng quản trị doanh nghiệp Việt Nam đứng cuối bảng trong khu vực ASEAN.
Phóng viên: Để tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông có thể đưa ra những khuyến nghị gì với Chính phủ và doanh nghiệp?
Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu: Theo tôi, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam không chỉ vượt qua chính mình mà đòi hỏi phải tiến kịp và vượt qua quốc gia khác. Đây là một thách thức không nhỏ đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp; đòi hỏi không chỉ nhận thức mà cần có hành động cụ thể và quyết liệt của cả 2 bên.
Về Chính phủ, vấn đề mấu chốt hiện nay là thực thi một cách đầy đủ và kịp thời các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đã đề ra trong nhiều năm qua.
Cùng với tiến triển của cải cách thì áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp sẽ ngày càng cao, do rào cản pháp lý về gia nhập thị trường được gỡ bỏ, sẽ nhiều hơn doanh nghiệp mới tham gia và cạnh tranh với doanh nghiệp hiện tại.
Do đó, doanh nghiệp cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt lưu ý là phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ chữ tín trong kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn; thay bằng tư duy dài hạn và chuyên nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục