Nâng cao chất lượng hàng Việt để chuẩn hóa sản xuất ngành hàng

15:05' - 17/04/2019
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh xác định Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” là giải pháp hàng đầu, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt theo hướng ưu tiên hàng sản xuất trong nước.

Do đó, trong những năm qua thành phố đã không ngừng triển khai nhiều sáng kiến mới quảng bá hàng sản xuất trong nước nhưng đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế.

Đây là thông tin được cho biết tại tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt” do Sở Công Thương phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 17/4.

* Xây dựng văn hóa tiêu dùng

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Cuộc vận động là một chủ trương cần thiết và kịp thời tạo được sự hưởng ứng của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam sản xuất. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, gắn với Chương trình Bình ổn thị trường của thành phố đã hỗ trợ và tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam về mua sắm công, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân.

Ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Cuộc vận động đã thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu…

Các hoạt động quảng bá, kết nối doanh nghiệp và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam trong những chương trình hành động của thành phố thực hiện Cuộc vận động đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực từ thành phố đến các tỉnh, thành khác trong nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với thành phố.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai bình ổn thị trường xuyên suốt mỗi năm; không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thực phẩm thiết yếu còn là kênh quan trọng để thực hiện chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” với mạng lưới điểm bán, trong đó có 100% nhà thuốc, bệnh viện phủ khắp các quận, huyện.

Còn đối với doanh nghiệp, Cuộc vận động tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp Thành phố giữ vững niềm tin để tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng; trong đó, các doanh nghiệp có cơ hội tập trung nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định thị trường, đưa hàng Việt từng bước đến với người tiêu dùng.

Điển hình, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tham gia có hiệu quả việc bình ổn mặt hàng sữa nội; Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) bảo đảm nguồn thực phẩm đủ - sạch - an toàn, đủ sức phục vụ nhu cầu trong nước; Liên hiệp hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) không ngừng phát triển hệ thống phân phối, nâng tổng số điểm bán hàng…

Đánh giá về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua, ông Trần Tiến Khai, Thư ký Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” cho rằng, thành phố đã nỗ lực xây dựng hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đầu mối, chợ đầu mối, chuỗi cung ứng… nhằm phát triển mạng lưới thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, vai trò của các doanh thực phẩm và hệ thống chợ đầu mối là không thể thiếu được trong kết nối nơi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ.

* Nâng chất hàng nội địa

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, nhằm mở rộng và nâng chất hàng Việt với những giải pháp định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống; trong đó, việc chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa thông qua sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Nhiều địa phương hình thành vùng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản sản Việt vươn xa hơn, hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình “Chắp cánh hàng Việt” sẽ được triển khai với phương thức thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống thành phố ký kết hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, với giải pháp này, chương trình sẽ trở thành công cụ hiệu quả giúp nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ nâng cao hiệu quả xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông qua chương trình, thành phố phát tín hiệu thị trường để góp phần định hướng cho các địa phương vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng; trong đó, người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Còn ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho hay, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương trong sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tạo tiền đề cũng như cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa và dẫn dắt chuỗi. Về phía địa phương, tỉnh Đồng Tháp đã và đang triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực giai đoạn 2018 – 2020.

Tương tự, đại diện một số địa phương cũng cho rằng, triển khai các giải pháp mới không chỉ làm phong phú hoạt động mà còn tạo thêm sức hấp dẫn trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”, sẽ góp phần tái cơ cấu sản xuất theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Ngoài ra, đây cũng là phương thức định hình cơ chế quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm vùng nguyên liệu nông sản thực phẩm cho các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Xem thêm:

>>Sức vươn thương hiệu Việt

>>Để hàng Việt chắp cánh cho thương hiệu Việt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục