Năm doanh nghiệp giao thông lớn về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

22:17' - 12/11/2018
BNEWS Năm tổng công ty được bàn giao từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Lễ ký biên bản giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 5 tổng công ty từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: chinhphu.vn

Chiều 12/11, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức lễ ký biên bản giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 5 tổng công ty từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, 5 tổng công ty được bàn giao từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để việc chuyển giao được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 131/2018.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, 5 Tổng công ty được chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy quan Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 275.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 48.000 tỷ đồng và vốn Nhà nước hơn 46.000 tỷ đồng.
“Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực chất là chúng ta triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tập trung, chuyên trách, thay vì mô hình phân tán chủ sở hữu vốn Nhà nước như trước đây. Khi thực hiện mô hình này sẽ phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước của các Bộ, ngành”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc chuyển cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước phân tán từ các bộ về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không làm suy giảm mà ngược lại còn tạo điều kiện để các Bộ, ngành làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, việc chuyển giao 5 Tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm thực hiện công tác quản lý các doanh nghiệp theo mô hình mới. Mục tiêu là để hoạt động của các tổng công ty này ngày càng hiệu quả hơn, quản lý chặt chẽ hơn và sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách tốt nhất.
“Dù đã bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nhưng trong giai đoạn sắp tới, hoạt động sản xuất kinh doanh của 5 Tổng công ty chắc chắn có nhiều vấn đề liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải. Với trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để tham gia ý kiến hoặc đề xuất các giải pháp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để có thể trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giải quyết căn bản những vấn đề còn đang vướng mắc, tồn tại ở các Tổng công ty, đặc biệt là ở VEC, ACV, VNR…
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được thành lập do ông Nguyễn Hoàng Anh làm chủ tịch. Đây là đơn vị đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đến cuối tháng 9/2018, Ủy ban chính thức hoạt động với 19 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu. Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỷ đồng./

>>> SCIC chính thức về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục