Nam Định cấp gần 150 tỷ đồng hỗ trợ các hộ bị dịch tả lợn châu Phi

18:13' - 19/07/2019
BNEWS Lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết, đã tạm cấp kinh phí cho 10/10 huyện, thành phố để triển khai hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi có lợn bị dịch tả châu Phi.
Nam Định đã cấp 149,5 tỷ đồng hỗ trợ đợt 1 cho người chăn nuôi có lợn ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương năm 2019, Nam Định đã cấp 149,5 tỷ đồng hỗ trợ đợt 1 cho người chăn nuôi có lợn ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của tất cả các huyện, thành phố. Các hộ chăn nuôi sẽ được nhận 50% trong tổng số tiền bị thiệt hại, số còn lại sẽ được địa phương hỗ trợ trong các đợt tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền được cấp hiệu quả, đúng quy định. Các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các hộ bị thiệt hại, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ ngày 8/3 - 18/7/2019, toàn tỉnh có 245.389 con lợn của 34.796 hộ chăn nuôi bị ốm, chết phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, với tổng trọng lượng gần 13.400 tấn. Ước tính con số thiệt hại đã lên tới vài trăm tỷ đồng.
Dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn tỉnh Nam Định giảm khoảng 29%; trong đó, nhiều nhất là huyện Hải Hậu giảm trên 42% tổng đàn; Trực Ninh giảm 39,3%, Nghĩa Hưng giảm 32,5% tổng đàn. Nhiều xã trong tỉnh có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy chiếm tới 70% tổng đàn như: Nam Hồng (huyện Nam Trực); Trực Thắng (huyện Trực Ninh)...
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, khống chế và chấm dứt bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Qua dịch bệnh này, cơ quan chuyên môn và các địa phương sẽ nghiên cứu cơ cấu, quy hoạch lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, quy mô trang trại, gia trại, đủ khả năng chống chọi với các loại dịch bệnh; cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ; đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu../.
Xem thêm:

>>Đồng Nai chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch

>>Lơ là chống dịch tả lợn châu Phi, một Chủ tịch xã bị kiểm điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục