Mỹ yêu cầu công dân vừa rời du thuyền Diamond Princess phải cách ly 14 ngày

16:40' - 19/02/2020
BNEWS Giới chức y tế Mỹ vừa yêu cầu các công dân nước này còn lại trên du thuyền Diamond Princess hoặc tại các bệnh viện của Nhật Bản phải cách ly trong ít nhất 14 ngày kể từ khi rời khỏi con tàu này.
Xe buýt chở hành khách trên du thuyền "Diamond Princess" rời cảng Daikoku, Yokohama, Nhật Bản, sau 14 ngày cách ly, ngày 19/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong thông báo phát đi ngày 19/2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu các hành khách và thành viên thủy thủ đoàn người Mỹ cũng như những người đang ở trong các bệnh viện chờ thêm 14 ngày trước khi trở về nước.

Họ sẽ chỉ được phép lên máy bay để về Mỹ nếu không có bất cứ triệu chứng nhiễm virus nCoV và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus nguy hiểm này. Nếu bất cứ cá nhân nào trên du thuyền Diamond Princess trở về Mỹ trước thời hạn trên, họ sẽ bị buộc phải cách ly. 

Theo CDC, có thể sẽ có thêm những trường hợp nhiễm nCoV khác trong số những hành khách vẫn còn trên du thuyền Diamond Princess do nguy cơ phơi nhiễm cao.

Trước đó, hôm 17/2, Chính phủ Mỹ đã điều máy bay đưa hơn 300 người trên du thuyền này về Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 100 công dân Mỹ trên con tàu này hoặc ở trong các bệnh viện tại Nhật Bản.

Trong khi đó, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cùng ngày cũng thông báo kế hoạch thuê máy bay để đưa những cư dân vùng lành thổ này trên du thuyền Diamond Princess trở về. Theo đó, chiếc máy bay này sẽ tới Nhật Bản vào chiều 21/2 tới. Hiện có khoảng 20 cư dân Đài Loan trên du thuyền trên.

Tàu Diamond Princess chở 3.711 người khởi hành từ cảng Yokohama hôm 20/1 và quay về cảng này ngày 3/2 vừa qua. Hai ngày sau đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) quyết định cách ly tàu này cùng tất cả hành khách trên tàu trong 14 ngày - đến ngày 19/2 - sau khi một hành khách đã xuống tàu ở Hong Kong (Trung Quốc) được xác nhận nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến ngày 18/2, tổng số ca nhiễm trên tàu Diamond Princess là 542 người.

Cũng trong ngày 19/2, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo nước này đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mới nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 51 người.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng nhanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường "phòng dịch khu vực" chống lại sự lây lan của loại dịch bệnh này.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cùng ngày, chủ trì Hội nghị Bộ trưởng kinh tế về công tác đối phó dịch COVID-19 kiêm Hội nghị Đối sách thúc đẩy kinh tế tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki  cho biết trong vòng 10 ngày đầu tháng 2, kim ngạch xuất khẩu bình quân ngày đạt 1,53 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp còn đang gặp trở ngại về sản xuất bởi không đủ nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. Do vậy, các ban ngành chính phủ cần sẵn sàng các biện pháp đối phó phù hợp.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ trưởng Hong Nam-ki cho biết trong cuộc họp cùng ngày, các bộ ngành liên quan đến kinh tế sẽ thảo luận phương án cung cấp tính thanh khoản khẩn cấp cho các doanh nghiệp gặp thiệt hại; hỗ trợ thông quan nhanh cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguyên vật liệu; và hỗ trợ marketing xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ xem xét phương án trung và dài hạn là đổi mới cơ cấu xuất khẩu, đảm bảo mạng lưới cung ứng phạm vi thế giới ổn định. Dựa trên nội dung thảo luận, chính phủ sẽ công bố đối sách cụ thể trong tuần này.

Ngoài ra, để vực dậy nền kinh tế địa phương đang bị co hẹp do COVID-19, chính phủ sẽ nâng mức giảm giá các loại phiếu mua hàng tại địa phương từ 5% lên 10%, nâng quy mô phát hành phiếu mua hàng hiện đang ở mức 3.000 tỷ won (2,5 tỷ USD).

Theo đó, chính phủ sẽ giải ngân 137.000 tỷ won (115 tỷ USD), tương đương 60% tổng ngân sách địa phương trong nửa đầu năm nay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh về mặt nguyên tắc, chính phủ sẽ vẫn xúc tiến các sự kiện do chính quyền các địa phương chủ trì theo đúng kế hoạch.

Cũng theo Bộ trưởng Hong Nam-ki, chính phủ sẽ tích cực tận dụng khoản ngân sách dự phòng dùng cho khắc phục thiên tai, sự cố, và quỹ quản lý thiên tai, sự cố để đảm bảo nguồn tài chính cho công tác phòng dịch tại các địa phương.

Hiện tại, Chính phủ đã giải ngân 36,7 tỷ won (30,7 triệu USD), dự kiến sẽ giải ngân thêm khoảng 100 tỷ won (83,8 triệu USD) trong thời gian tới. Cùng với đó, chính phủ sẽ nỗ lực rút ngắn thời gian thu mua các vật phẩm quan trọng để phòng dịch như khẩu trang, thuốc chẩn đoán, xét nghiệm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hong Nam-ki nhấn mạnh chỉ riêng nỗ lực của chính phủ sẽ khó khắc phục triệt để tình hình hiện nay, mà cần cả sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Theo ông, đối sách kinh tế hữu hiệu nhất chính là người dân tiếp tục bình thường các hoạt động tiêu dùng hàng ngày và doanh nghiệp tiếp tục tích cực đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục