Mỹ và Phương Tây trừng phạt Nga: Lợi bất cập hại (Phần 2)

05:30' - 15/03/2019
BNEWS Những lệnh trừng phạt mới có thể gây ra hệ lụy sâu sắc đối với nền kinh tế của Nga nhưng ảnh hưởng thực sự thế nào còn phụ thuộc vào mức độ thực hiện trên thực tế.
Đồng tiền xu ruble của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều không tránh khỏi sắp tới là Mỹ và EU sẽ gia tăng trừng phạt đối với Nga dù Brussels nghiêng về hướng trừng phạt hạn chế hơn Washington. Trước cuối tháng Ba này, EU sẽ áp những lệnh trừng phạt liên quan vụ xung đột ở vùng biển Azov và áp lệnh cấm di chuyển và phong tỏa tài sản 8 quan chức an ninh của Nga liên quan  tới việc bắt giữ các thủy thủ Ukraine tháng 11 năm ngoái. 
Trong khi đó Mỹ chắc chắn sẽ bổ sung thêm nhiều quan chức an ninh của Nga vào danh sách bị trừng phạt và cũng cân nhắc luôn một số lệnh hạn chế đối với ngành đóng tàu của Nga nếu Nga còn tiếp tục gây khó dễ cho Ukraine về tự do hàng hải.
Nhưng vẫn chưa hết. Còn nhiều lệnh trừng phạt khác hà khắc hơn Mỹ đang cân nhắc áp dụng đối với Nga trong năm nay. Một số nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng về việc cần thiết phải tăng sức ép trừng phạt đối với Nga một phần vì chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa thực thi hết các lệnh trừng phạt đã thông qua từ năm ngoái. 
Chính vì thế một số nghị sĩ đã đề xuất một dự luật mới, được coi là phiên bản hà khắc hơn của Đạo luật Bảo vệ An ninh nước Mỹ khỏi những hành động công kích của Kremlin. Dự luật này gồm những lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga, đối với việc phát hành nợ chính phủ Nga và đầu tư trong các dự án dầu khí của Nga bên ngoài lãnh thổ. 
Quốc hội Mỹ cũng sẽ gia tăng sức ép lên Nhà Trắng để tiếp tục theo đuổi việc thực thi Đạo luật Kiểm soát Vũ khí Sinh học và Hóa học và Xóa bỏ Chiến tranh với những biện pháp mạnh hơn, gồm cấm các chuyến bay của hàng không Nga Aeroflot bay tới Mỹ, hạn chế các ngân hàng Mỹ cho Nga vay và giảm cấp quan hệ ngoại giao song phương.
Những lệnh trừng phạt như vậy có thể gây ra những hệ lụy sâu sắc đối với nền kinh tế Nga nhưng ảnh hưởng thực sự thế nào còn phụ thuộc vào mức độ thực hiện trên thực tế. Hạn chế phát hành nợ chính phủ sẽ làm tăng đáng kể chi phí vay đối với Nga và làm giảm đầu tư vào nước này. 
Các lệnh trừng phạt đối với giao dịch của các ngân hàng Nga có thể buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải hỗ trợ các ngân hàng yếu và khiến Ngân hàng trung ương này khó ổn định đồng ruble và kiểm soát lạm phát trong nước.
Tuy nhiên, đây chỉ là những kịch bản cực đoan và khả năng cao là chính quyền của ông Trump sẽ không nhất trí bất cứ lệnh trừng phạt nào gây ra ảnh hưởng thêm ngoài nước Nga, chẳng hạn như cấm các giao dịch của các ngân hàng Nga và các công ty toàn cầu. 
Thay vào đó, Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ nhằm vào các cá nhân và tổ chức theo kiểu xử lý từng trường hợp cụ thể  trong khi vẫn thương thảo với Quốc hội để tìm ra cách vừa trừng phạt được Nga vừa không gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các ngành kinh tế.
Về phía mình, Nga đã có 5 năm để thích nghi, để chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, và trong thời gian này đã phát triển được “chiến lược cách ly các lệnh trừng phạt” rất mạnh mẽ. 
Theo đó, Nga đã giảm nợ bên ngoài xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tăng dự trữ ngoại hối lên 500 tỷ USD và giảm bớt việc mua trái phiếu chính phủ của Mỹ đồng thời sử dụng nhiều hơn các ngoại tệ khác như đồng euro, yen và nhân dân tệ cũng như mở rộng quan hệ kinh tế với các nước ngoài phương Tây, đặc biệt là Trung Quốc. 
Nga đã giảm bớt quan hệ với Mỹ và tạo được "tấm đệm" đủ lớn có thể chịu được những cú sốc kinh tế lớn trong tương lai trong trường hợp Mỹ áp thêm nhiều lệnh trừng phạt nữa.
Với những giải pháp trên trong bối cảnh Quốc hội Mỹ và ông Trump còn tranh cãi về mức độ lệnh trừng phạt đối với Nga, trước mắt, Moskva chắc chắn sẽ tránh được những cú sốc đứt gãy kinh tế lớn.
Tuy nhiên, nếu những lệnh trừng phạt đối với Nga kéo dài thì chắc chắn nền kinh tế Nga không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi chúng sẽ khiến Nga không tiếp cận được với công nghệ và tài chính của các nước phương Tây và làm xói mòn các quan hệ kinh tế của Nga với phương Tây. 
Sự chia rẽ về kinh tế ngày càng gia tăng cộng với việc Nga cương quyết không nhân nhượng các vấn đề chiến lược trong cuộc chiến Ukraine và Syria, sẽ chỉ khiến căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng thêm, chưa kể những vấn đề đối đầu về địa chính trị mà chính vì lý do đó phương Tây đã quyết áp lệnh trừng phạt đối với Nga./.

      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục