Mỹ từ chối đề nghị miễn thuế linh kiện nhập từ Trung Quốc

13:25' - 14/06/2019
BNEWS Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối loạt đề nghị của các nhà sản xuất xe hơi trong nước, theo đó miễn thuế đối với các bộ phận, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. 
Mỹ từ chối đề nghị miễn thuế linh kiện nhập từ Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chuyên gia nhận định điều này cho thấy quyết tâm của Washington nhằm cấm triệt để việc sử dụng công nghệ và linh kiện của Trung Quốc trong sản xuất phương tiện tiên tiến.

Theo quy định của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), các công ty nước này được phép đề nghị giảm thuế nhập khẩu sau khi Mỹ áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, một văn bản của Nhà Trắng cho thấy USTR hồi cuối tháng 5 vừa qua đã bác đề nghị loại trừ linh kiện của mẫu xe Model 3 của Tesla gồm máy tính và màn hình trung tâm ra khỏi danh sách bị áp thuế.

Lý do USTR đưa ra là cả hai đều là sản phẩm chiến lược hoặc có liên quan đến chương trình "Made in China 2025" hoặc một số chương trình công nghiệp khác của Trung Quốc. Trước đó, USTR cũng đã bác một kiến nghị khác của Tesla về việc miễn thuế đối với đơn vị điều khiển điện tử, vốn được mô tả là "bộ não" của ôtô, nhập khẩu từ Trung Quốc.

Không chỉ Tesla, GM cũng không được Chính phủ Mỹ "chiếu cố" bất chấp những lý do mà hãng này đưa ra như một số bộ phận ôtô chỉ có thể đặt hàng tại Trung Quốc hoặc giá cả đắt đỏ nếu nhập khẩu từ nước khác không phải là Trung Quốc. Hơn 50 kiến nghị của GM xin miễn thuế đối với các linh kiện xe nhập khẩu từ Trung Quốc, như bộ điều khiển điện dùng cho xe điện hay xe hybrid, đều bị USTR bác bỏ.

Cơ quan này cũng không đồng ý miễn thuế đối với ăng-ten tần suất cao, nút điều khiển nguồn, dây sạc, các linh kiện phanh và linh kiện ôtô điện mà GM mua từ Trung Quốc.  

Tương tự, yêu cầu của hãng công nghệ Uber về việc xin miễn thuế đối với xe đạp điện sản xuất tại Trung Quốc cũng không được USTR chấp thuận. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng bác hàng chục kiến nghị tương tự của Nissan Motor hay Fiat Chrysler.

Phản ứng với quyết định trên, Fiat Chrysler cảnh báo sẽ thu hẹp quy mô sản xuất, tăng giá bán, thậm chí áp dụng cả hai biện pháp trên. Tesla cho rằng việc tăng thuế đối với bộ phận vi tính của mẫu xe Model 3 sẽ gây hậu quả kinh tế cho hãng này như lợi nhuận giảm sút và giá xe tăng.

Trong khi đó, hai thượng nghị sĩ hàng đầu Mỹ cảnh báo chính quyền Tổng thổng Trump không nên dùng vấn đề tập đoàn Huawei như một công cụ thương lượng trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner đã bày tỏ quan ngại về khả năng Tổng thống Trump "xuống nước" trong việc cấm các thiết bị của Huawei nhằm đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Hai thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ khẳng định việc cho phép sử dụng các thiết bị Huawei trong hệ thống hạ tầng viễn thông tại Mỹ sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Hai chính trị này nhấn mạnh không nên sử dụng Huawei như công cụ đàm phán trong cuộc đối thoại thương mại với Trung Quốc.

Thay vào đó, theo họ, Chính phủ Mỹ nên làm rõ để các đồng minh hiểu rằng việc sử dụng các thiết bị viễn thông của Trung Quốc có thể dẫn tới chi phí bảo trì lớn và các vấn đề an ninh về lâu dài.

Tháng 5/2019, Washington đã đưa Huawei vào danh sách đen cấm tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông có giao dịch với các công ty Mỹ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng an ninh mạng mà không được Chính phủ Mỹ cấp phép.

Điều này đã khiến một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple cắt đứt quan hệ với Huawei. Trong khi đó, Mỹ đang tìm cách dẫn độ Giám đốc tài chính của tập đoàn này Mạnh Vãn Châu hiện đang bị giam giữ tại Canada, sang Mỹ xét xử về nghi án Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục