Mỹ gia hạn miễn trừ trừng phạt liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran

12:07' - 04/05/2019
BNEWS Washington sẽ gia hạn cơ chế miễn trừ trừng phạt được thực hiện theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, cho phép các nước Nhóm P5+1 hợp tác hạt nhân dân sự với Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 3/5 tuyên bố Washington sẽ gia hạn 5/7 cơ chế miễn trừ trừng phạt được thực hiện theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, cho phép các nước Nhóm P5+1 hợp tác hạt nhân dân sự với Iran để ngăn chặn nước này khởi động lại chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, việc gia hạn miễn trừ, vốn hết hạn trong ngày 4/5, sẽ chỉ kéo dài trong 90 ngày, thay vì 180 ngày như trước, đồng thời một số điều khoản của cơ chế miễn trừ cũng được siết chặt.

Các biện pháp miễn trừ trừng phạt cho phép các nước Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức tiếp tục các chương trình hợp tác được quy định trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.

Theo thỏa thuận này, các nước tham gia ký kết được phép hỗ trợ duy tu các cơ sở hạt nhân của Iran và sửa đổi, thiết kế lại cơ sở hạ tầng tại đây để phục vụ cho hoạt động dân sự.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cơ sở được kéo dài miễn trừ trừng phạt bao gồm nhà máy điện hạt nhân Bushehr, cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow, tổ hợp hạt nhân Arak và lò phản ứng nghiên cứu Tehran.

Tuy nhiên, cơ chế miễn trừ đối với nhà máy điện hạt nhân Bushehr cũng được siết chặt, theo đó mọi hoạt động hỗ trợ để mở rộng nhà máy này đều bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt.

Như vậy, Trung Quốc và Anh có thể tiếp tục thiết kế và chế tạo một lõi lò phản ứng mới cho cơ sở hạt nhân nước nặng Arak để cơ sở này không thể sản xuất plutoni ở cấp độ vũ khí.

Nga có thể tiếp tục cung cấp nhiên liệu urani cho lò phản ứng duy nhất tại nhà máy điện Bushehr. Việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt cũng cho phép cải tạo cơ sở hạ tầng tại nhà máy làm giàu urani Fordow nhằm "giúp đảm bảo cơ sở này không còn được sử dụng để làm giàu urani".

Trong khi đó, Pháp sẽ được phép tiếp tục chương trình huấn luyện an toàn hạt nhân dân sự.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ hai biện pháp miễn trừ trừng phạt, gồm cho phép Iran trữ nước nặng trong quá trình làm giàu urani tại Oman và cho phép Iran trao đổi với Nga urani đã được làm giàu để lấy oxide urani, sẽ không được gia hạn. Biện pháp trên nhằm buộc Iran ngừng chương trình làm giàu urani.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh Iran cần ngừng mọi hành động nhạy cảm, trong đó có việc làm giàu urani và Washington sẽ "không cho phép các hành động hỗ trợ việc tiếp tục làm giàu urani như vậy".

Theo bà, Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Iran cũng như duy trì nỗ lực nhằm buộc nước này không sản xuất vũ khí hạt nhân.

Bắt đầu từ ngày 4/5, Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc hỗ trợ Iran mở rộng nhà máy điện hạt nhân Bushehr duy nhất của nước này.

Hiện nhà máy này chỉ có 1 lò phản ứng do Nga sản xuất, bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Iran có kế hoạch mở rộng nhà máy này, theo đó, Moskva và Tehran đã ký một thỏa thuận vào năm 2014 nhằm lắp đặt thêm 8 lò phản ứng.

Đây là biện pháp trừng phạt thứ ba mà Mỹ áp đặt đối với Iran trong nhiều tuần qua. Giới phân tích cho rằng động thái trên là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm "cô lập" kinh tế và chính trị Tehran kể từ sau khi Mỹ đơn phương "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 5/2018.

Mới đây nhất, ngày 2/5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Quyết định này đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu chịu sức ép phải dừng mua dầu của Iran và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục