Mỹ cấp chứng nhận thiết kế mô hình nhà máy điện nguyên tử Hàn Quốc ​

18:55' - 27/08/2019
BNEWS Thiết kế nhà máy điện nguyên tử mô hình Hàn Quốc APR1400 của Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đã được Ủy ban pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC) cấp chứng nhận thiết kế.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNC) ngày 27/8 cho biết APR1400 đã được cấp chứng nhận thiết kế chuẩn (SDA) vào tháng 9 năm ngoái, và sau 11 tháng trải qua quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý, thiết kế đã được đưa vào Phụ lục Quy định của Liên bang Mỹ.

Đây là đầu đầu tiên Mỹ cấp chứng nhận thiết kế cho một mô hình nhà máy điện nguyên tử không do nước này thiết kế.

Chứng nhận thiết kế là một loại chứng chỉ xác minh an toàn, cho phép việc xây dựng và vận hành thiết kế tại Mỹ.

Điều này đồng nghĩa rằng APR1400 đã được cấp phép xây dựng và vận hành tại Mỹ.

Trong tương lai, khi xây dựng mô hình nhà máy điện hạt nhân này tại Mỹ, Hàn Quốc chỉ phải xin thẩm định về tính năng an toàn đối với đặc trưng của khu đất xây dựng.

Do đó, thời gian và chi phí cấp phép xây dựng và vận hành sẽ được rút ngắn, mang đến lợi thế khi thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Trước đó, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc và Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã cùng xúc tiến đăng ký xin cấp chứng nhận thiết kế của Ủy ban pháp quy hạt nhân Mỹ.

Trong đó, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân đóng vai trò chủ quản, với sự tham gia của Công ty Kỹ thuật và Xây dựng KEPCO, Công ty nhiên liệu hạt nhân KEPCO và Công nghiệp nặng Doosan.

APR1400 là mô hình nhà máy điện hạt nhân lò phản ứng thủy áp, thuộc nhóm lò phản ứng nước nhẹ, có công suất 1.400 MW, do các kỹ sư Hàn Quốc nghiên cứu phát triển.

Mô hình này được áp dụng tại các nhà máy điện Sin Kori số 3, số 4, số 5, số 6; Sin Hanwool số 1 và số 2 đang xây dựng trong nước; và được xuất khẩu sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Như vậy, cùng với việc đạt được chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của châu Âu (EUR) vào tháng 10/2017, APR1400 đã được đảm bảo chứng nhận về tính an toàn từ hai cơ quan chứng nhận khắt khe nhất thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục