Mưu sinh mùa lũ muộn - Bài 2: Mở đồng đón phù sa

09:49' - 28/09/2019
BNEWS Dù nước lũ tràn về muộn và thấp hơn so với các năm trước, nhưng các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng khai thác được phần nào để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
 Con nước mới ngập gốc rạ, nhưng người dân xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) ở cặp bờ kênh Tha La tranh thủ đặt dớn, dăng lưới trên cánh đồng xâm xấp nước nhưng mong kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Hiện tại, nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An… đang triển khai kế hoạch ứng phó với lũ, bảo đảm sản xuất, đồng thời tiến hành xả đồng đón lũ nhằm bồi tụ thêm phù sa, cải tạo đất và vệ sinh đồng ruộng.

Không chủ quan với diễn biến bất thường

Tại tỉnh Đồng Tháp, phần lớn các diện tích lúa cơ bản đã thu hoạch xong, lũ về muộn nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên địa bàn có nhiều diện tích bãi bồi, vùng không có đê bao đang được người dân tận dụng để canh tác hoa màu. Các diện tích này có nguy cơ bị đe dọa bởi nước lũ.

Trên địa bàn huyện Hồng Ngự , tỉnh Đồng Tháp, có khoảng 280 ha đất bãi bồi nằm ven sông Tiền, tập trung ở thị trấn Thường Thới Tiền, Thường Phước 2, Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận B. Đây là khu vực không được khuyến khích sản xuất trong mùa lũ, do thường xuyên bị ngập khi triều cường bắt đầu dâng. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn đang tận dụng để trồng các loại hoa màu. Nước dâng lên, đã khiến cho các diện tích này bị thiệt hại.

Ông Phạm Văn Đảo, ngụ ở thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho hay, những tưởng năm nay không nước, nên bà con có đất ven sông tranh thủ trồng các loại hoa màu ngắn ngày như đu đủ, ớt,… Tuy nhiên, khi cây bắt đầu ra trái, nước tràn về, các hộ dân cũng tranh thủ thu hoạch chạy lũ để kịp vớt vát được số vốn đã bỏ ra. Riêng ông Đảo, 1 ha trồng đu đủ bị ngập nước xem như mất trắng vì trái quá non, thương lái không mua.

Trước tình hình này, ngành chức năng khuyến cáo người dân không chủ quan với diễn biến của lũ, tranh thủ thu hoạch các diện tích bị mực nước đe dọa, đối với các diện tích còn lại cần ngưng ngay việc gieo trồng để giảm thiểu thiệt hại.

Tại tỉnh Long An, ngành nông nghiệp giảm kế hoạch sản xuất lúa vụ Thu Đông xuống chỉ còn 38.000 ha. Việc sản xuất , chỉ thực hiện tại những khu vực có đê bao kiên cố nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra. Hiện tại, phần diện tích lúa Thu Đông đang vào thời kỳ trổ chín, một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch.  

Do đó, để bảo vệ và thu hoạch tốt các diện tích lúa Thu Đông 2019, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên; có kế hoạch kiểm tra, giám sát, gia cố đê bao, theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất; kịp thời khắc phục ngập úng cục bộ và chủ động chuẩn bị phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa kịp thời.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Thanh Truyền, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân gieo sạ lúa vụ Thu Đông ở các khu vực có đê bao vững chắc an toàn, tránh bị ảnh hưởng của lũ. Những diện tích còn lại thì tận dụng nước về nhiều để khuyến khích nông dân xả lũ, lấy phù sa bồi đắp đồng ruộng, diệt mầm bệnh, cải tạo đất.

Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án đón lũ, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê, đặc biệt là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn; chủ động tiêu úng bảo đảm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ tốt những diện tích lúa Thu Đông đang trong giai đoạn thu hoạch.

Phát huy tối đa lợi thế từ lũ

Dù lũ về muộn, những nhiều địa phương ở vùng Tây Nam bộ đang tranh thủ để mở đồng xả lũ nhằm thau chua rửa phèn, giúp cho đất có thời gian nghỉ ngơi và bồi tụ thêm phù sa. Nhiều người dân ở vùng lũ cũng chủ động ngưng sản xuất nhằm tránh thiệt hại và tạo điều kiện cho đất đai được nghỉ ngơi.

Người dân xã Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang) tranh thủ con nước về thả lọp bắt cá. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Anh Phan Thanh Điền, ngụ xã Tân Thành, Tân Thạnh ( Long An), cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các vụ lúa trước, vụ này, nông dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước cho ruộng lúa trong giai đoạn lúa chín chuẩn bị thu hoạch, hạn chế tình trạng nền đất ruộng bị lún và sình lầy, tạo thuận lợi đưa máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa vào thu hoạch lúa. Năm nay, nước lũ về khá muộn. Do đó, ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, tôi không gieo sạ vụ 3 mà dọn cỏ, xử lý rơm rạ và xới đất rồi mở bờ bao cho nước lũ vào ruộng để bồi đắp phù sa cho đất, giúp vụ sản xuất lúa tới đây trúng mùa”.

Ông Trần Văn Ba, ngụ xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang), chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với chủ trương xả lũ và thực hiện kế hoạch sản xuất “2 năm, 5 vụ” của huyện. Bởi vì thời gian qua, sản xuất kéo dài khiến đất đai cằn cỗi, bạc màu, nông dân buộc lòng bón phân, thuốc hóa học nhiều để “ép” cây lúa đạt năng suất. Việc làm này kéo dài, làm  ảnh hưởng đến vấn đề môi trường rất lớn, liên đới tác hại cả sức khỏe con người. Năm nay, tuy nước lũ về muộn nhưng bà con vẫn thống nhất xã lũ để tẩy rửa đồng ruộng, cải tạo môi trường đất, hạn chế sâu bệnh, bồi tụ thêm phù sa,… cho những vụ sản xuất kế tiếp đạt năng suất cao hơn”.

Hiện tại, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng lũ đã mở cửa đón nước lũ. Toàn tỉnh Long An đã có 168.000 ha đất lúa được xả lũ; tỉnh Đồng Tháp có hơn 90.000 ha… Việc mở đồng đón nước lũ sẽ được thực hiện đến khoảng giữa tháng 10/2019, sau đó sẽ tiến hành sản xuất vụ Đông Xuân.

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực, các địa phương tổ chức thực hiện việc xả lũ đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, hoa màu của người dân; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ cao, mưa lớn bảo vệ sản xuất như: kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, bọng, trạm bơm điện bị hư hỏng, rò rỉ, tu sửa máy bơm sẵn sàng tiêu úng và xây dựng phương án chủ động đối phó với tình huống thời tiết bất thường xảy ra.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lấy ý kiến người dân về kế hoạch xả lũ, công khai thời gian xả lũ từng ô bao, tuyên truyền rộng rãi về thời gian và mực nước xả lũ để tránh xung đột về lợi ích tại những ô đê bao có sự hiện diện cùng lúc của lúa, hoa màu, cây ăn trái…

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc xả lũ lấy phù sa được đa số người dân thống nhất cao. Thời gian xả lũ tương đối dài, các diện tích ngập sâu giúp cung cấp phù sa, cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, giảm chi phí cải tạo đất.

Trong điều kiện đê bao chắc chắn, các địa phương vẫn có thể tiến hành xả lũ có kiểm soát nhằm lấy phù sa, tiêu diệt mầm bệnh, hạt cỏ dại lưu tồn trong đất. Tuy nhiên cần kiểm tra, rà soát các ô bao có kế hoạch xả lũ, xác định thời điểm xả lũ trên địa bàn, chủ động triển khai các giải pháp để tiến hành xả lũ đảm bảo an toàn sản xuất../.

Bài cuối: Phòng, chống xâm nhập mặn

>>> Mưu sinh mùa lũ muộn - Bài 1: Khó khăn khi con nước về ít

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục