Mưa kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch cà phê ở Đắk Lắk

08:06' - 25/11/2017
BNEWS Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn khi mưa lớn kéo dài, liên tục từ đầu tháng 11 tới nay.
Mưa liên tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục có mưa kéo dài không những làm chậm tiện độ thu hoạch mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê Đắk Lắk nhân gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, những năm trước đây, vào thời điểm này, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn đã thu hoạch đợt 1 được gần 50% diện tích cà phê.

Thế nhưng, hiện nay, do mưa kéo dài nên mới thu hoạch chưa quá 30% diện tích cà phê đã chín. Tại các vùng trọng điểm cà phê của tỉnh như Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ cũng chỉ mới thu hoạch đợt 1 được 25 đến 30% diện tích cà phê cho thu hoạch niên vụ này.

Anh Y Hùng Niê, ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình có 2,5 ha cà phê đang chín rộ, tỷ lệ quả chín cũng đạt gần 90% nhưng mới thu hoạch được gần 5 sào thì trời đổ mưa kéo dài, đành phải dừng lại hơn 10 ngày rồi, nhìn quả cà phê chín rụng đầy gốc mà xót, chắc tốn nhiều công để nhặt…

Còn gia đình chị H’Liên ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk cũng huyện Cư M’gar cho biết, các niên vụ trước đến thời điểm này gia đình cũng đã thu hoạch xong đợt 1 gần 2 ha, nhưng năm nay do ảnh hưởng của mưa bão chỉ mới thu hoạch được gần 1 ha, diện tích cà phê còn lại đành để chín rụng khi nào nắng lên mới nhặt lại từng quả làm tăng thêm chi phí thu hoạch…

Mưa kéo dài không những làm chậm tiến độ thu hoạch mà còn dễ dẫn đến tình trạng làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê nhân. Thực tế, nhiều nông hộ sau khi thu hoạch, gặp mưa bão kéo dài, lại thiếu sân phơi đành để cà phê trong các bao bì nên dễ dẫn đến phát sinh nấm mốc, chuyển hóa màu sắc , giảm chất lượng của sản phẩm cà phê nhân…

Các đơn vị chức năng khuyến cáo các nông hộ, sau khi thu hoạch cà phê, nếu gặp trời mưa cần tiến hành đưa cà phê quả tươi vào các lò sấy thủ công để sấy nhằm bảo đảm cà phê nhân thương phẩm sau này.

Còn đối với các địa bàn chưa có điều kiện sử dụng các lò sấy thủ công, các nông hộ cần trải cà phê quả tươi trên sân xi măng, sân gạch cho thoáng mát, không quá dày từ 30 đến 40 cm. Với cách làm này hạn chế được cà phê quả tươi lên men, tuyệt đối không được ủ đống ủ trong bao bì dễ làm cà phê quả tươi nóng lên men, chuyển hóa nấm mốc, giảm chất lượng sản phẩm cà phê nhân…

Tỉnh Đắk Lắk khuyến khích, tạo điều kiện cho các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê đầu tư trang bị các cơ sở máy sấy hoặc hệ thống dây chuyền công nghệ chế biến khô, chế biến cà phê ướt nhằm chủ động trong việc thu hoạch, chế biến sản phẩm cà phê nhân để không những góp phần đảm bảo chất lượng cà phê nhân xuất khẩu mà còn hạn chế được thất thoát cà phê sau thu hoạch.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 203.737 ha cà phê, trong đó có 191.483 ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng ước đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trong niên vụ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục