Một năm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường – Bài 1: Giải quyết ùn ứ giao thông

14:34' - 17/09/2019
BNEWS TTXVN xin giới thiệu loạt 3 bài về tình hình triển khai, những vướng mắc khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô tại Tp. Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè từ ngày 1/8/2018. Đề án hướng tới nhằm giảm bớt lượng phương tiện đỗ trên lòng đường, góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông; đồng thời, góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước phục vụ quản lý trật tự đô thị, hỗ trợ chỉnh trang hè phố và tăng tính khả thi đối với các dự án đầu tư các bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hóa.
Qua một năm triển khai, lượng phương tiện đỗ dưới lòng đường ít đi, tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường có thu phí giảm. Tuy nhiên, tổng nguồn thu phí chỉ đạt được 5% so với kế hoạch đề ra. Trước những bất cập trong quá trình triển khai, Tp. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp để thực hiện Đề án có hiệu quả hơn.
TTXVN xin giới thiệu loạt 3 bài về tình hình triển khai, những vướng mắc khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô tại Tp. Hồ Chí Minh.
Bài 1: Giải quyết ùn ứ giao thông
Với mức thu phí đỗ xe lòng đường trước đây quá thấp (chỉ 5.000 đồng/lượt), lượng phương tiện đỗ dưới lòng đường rất nhiều, dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, Tp. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh tăng mức thu phí nhằm kéo giảm ùn tắc các khu vực này, mặt khác góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Đây là chủ trương phù hợp và bước đầu đạt hiệu quả về bài toán giao thông khu vực trung tâm.
* Chủ trương phù hợp thực tế
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để tạm dừng đỗ xe là một thói quen đã tồn tại rất lâu trong đời sống của người dân. Việc thay đổi thói quen và nhu cầu của người dân là cả một quá trình chuyển đổi cơ cấu xã hội và cần thiết phải có thời gian.

Đường Lê Lai (Quận 1), một trong những tuyến đường thu phí đỗ ô tô ở lòng đường hiệu quả nhất. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Do đó, trong điều kiện hiện nay, thay vì không cho phép người dân sử dụng lòng đường để đỗ xe, thì chuyển sang quản lý và cho phép người dân tạm sử dụng lòng đường, hè phố để đỗ xe trên một số tuyến đường, trong khuôn khổ quy định, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhu cầu của người dân là cần thiết.
Ngày 1/8/2018, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại 23 tuyến đường trên địa bàn quận 1, quận 5 và quận 10. Theo đó, người đỗ xe có thể thanh toán phí sử dụng tạm thời lòng đường qua hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại (đầu số 1008) hoặc cài đặt ứng dụng My Parking trên thiết bị di động thông minh (sau khi cài đặt có thể thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế hoặc thẻ thanh toán nội địa của các ngân hàng đã hỗ trợ trong ứng dụng).
Mức phí được HĐND thành phố ban hành tối thiểu 20.000 đồng/xe/giờ (khu vực quận 10) và 25.000 đồng/xe/giờ (quận 1, quận 5), tính lũy kế các giờ tiếp theo. Trong giai đoạn đầu, Sở Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối, trong khi Công ty Viettel – Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí, thực hiện chức năng quản lý, giám sát, điều hành thực hiện thu phí cho đến khi Tp. Hồ Chí Minh hoàn tất đấu thầu dịch vụ thu phí.
Mức phí này dựa trên thực tế trước đây, mức đỗ xe trên lòng đường quá thấp, chỉ 5.000 đồng/xe/lượt, không kể thời gian đỗ khiến các tuyến đường khu vực trung tâm thường xuyên bị ùn tắc. Lượng phương tiện chủ yếu tập trung dừng đỗ trên lòng đường, thay vì vào gửi ở các tầng hầm tòa nhà, các bãi giữ xe tư nhân.
Theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải, các tòa nhà, khách sạn, trung tâm thương mại khu vực các quận 1, 3, 5, 10, 11 đều có mức phí giữ xe khá cao (tính thời điểm xây dựng đề án), với mức thu 2 giờ đầu tiên bình quân từ 10.000 – 20.000 đồng/lượt và mỗi giờ tiếp theo là 20.000 – 30.000 đồng/giờ.

Chính vì vậy, để người dân hạn chế đỗ xe trên lòng đường, mức phí đậu xe trên lòng đường phải cao hơn bình quân từ 10 – 20% so với giá trông giữ xe của các bãi, hầm tại các tòa nhà, trung tâm thương mại…
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, sau một năm triển khai thu phí tạm thời lòng lề đường ở một số tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, mục tiêu đạt hiệu quả nhất là việc đậu xe ngăn nắp, trật tự hơn tại các tuyến đường có thu phí.
Theo ông Ngô Hải Đường, việc trả phí khá cao khi đỗ xe ở lòng đường đã tác động vào ý thức của người điều khiển phương tiện, khiến họ phải cân nhắc lựa chọn phương tiện phù hợp khi đi vào khu vực trung tâm. Do mức giá cao, những tuyến đường thu phí trở nên thông thoáng, nhất là tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) vốn trước đây có nhiều xe thường xuyên dừng, đỗ kéo dài.
* Lòng đường đã thông thoáng
Mục tiêu lớn nhất của đề án là tác động tích cực đến việc hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân và cân nhắc lựa chọn các phương tiện đi lại khác hoặc chọn bãi giữ xe tư nhân, hầm của các Trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng. Điều này góp phần giảm bớt lượng phương tiện đỗ xe trên lòng đường, tăng hiệu năng sử dụng lòng đường đô thị.

Ô tô đỗ lòng đường tính phí tuyến đường Trương Định (Quận 1). Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Bên cạnh đó, đề án cũng hướng tới tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu thiết thực của các tổ chức và người dân thành phố. Đề án tác động tích cực trong việc hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân và cân nhắc lựa chọn các phương tiện đi lại khác, từ đó góp phần giảm bớt nạn ùn tắc và kẹt xe của thành phố.
Ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến đường có thu phí, tình trạng đỗ xe kéo dài trước đây đã giảm rõ rệt như: đường Thủ Khoa Huân, Huyền Trân Công Chúa, Phan Chu Trinh, Trương Định, Nguyễn Du… Tại tuyến đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), trước đây có rất nhiều xe ô tô dừng đỗ, nhưng hiện nay chỗ trống khá nhiều.

Chính việc điều chỉnh tăng mức thu phí đã tác động đến tâm lý người lái xe. Nhiều người trước đây thường xuyên đỗ xe cả ngày trên đường nhưng khi áp dụng mức phí mới đã đưa xe gửi ở các trung tâm thương mại, khách sạn trong khu vực.
Theo bà Cao Thị Bích Ngọc, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, nhân viên thu phí trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, so với thời điểm công ty bắt đầu tiếp nhận việc thu phí (tháng 5/2019) thì lượng xe đỗ trên lòng đường có tăng hơn trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, cuối tuần thì khá vắng, bởi khu vực này phần lớn là khách vãng lai, đi làm thủ tục ở các cơ quan hành chính, tư pháp.
Ông Ngô Hải Đường cho biết, qua một năm triển khai, một số tuyến đường thu phí tốt, một số tuyến lại thu được rất ít. Cụ thể, tuyến đường thu phí hiệu quả nhất là Phạm Hữu Chí (quận 5), Lê Lai, Chu Mạnh Trinh, Phan Bội Châu (quận 1)… bởi các tuyến này ngắn và lượng phương tiện dừng đỗ nhiều.

Trong khi đó, tuyến đường Trần Bình Trọng, An Dương Vương (quận 5)… kéo dài, khu vực này có nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán nên ảnh hưởng đến điều kiện thu phí; người dân cũng thiếu sự phối hợp, dẫn đến hiệu quả thu phí chưa cao.
Về cơ bản, mục tiêu lớn nhất của đề án đã đạt được, khi phần lớn các tuyến đường triển khai thu phí đã thông thoáng. Tuy nhiên, nguồn thu từ đề án lại rất thấp, chỉ đạt khoảng 5% so với mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn cả thời điểm trước đây chưa triển khai đề án.                                                               
Bài 2: Thu không đủ bù chi

Xem thêm:

>>Tp. Hồ Chí Minh thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè từ ngày 1/8

>>Nhiều tài xế “né” nộp phí đỗ xe lòng lề đường ở Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục