Môi trường đầu tư Việt Nam cần cải thiện để thu hút dự án từ Nhật Bản

17:45' - 02/08/2017
BNEWS Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để thu hút các dự án từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Môi trường đầu tư Việt Nam cần cải thiện để thu hút dự án từ Nhật Bản. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 2/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và phía Nhật Bản tổ chức cuộc họp đánh giá giữa kỳ lần thứ 2 nhằm trao đổi, thảo luận về 7 nhóm vấn đề trong Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam giai đoạn VI.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có chuyến thăm Nhật Bản và dự hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản. Thông qua hội nghị này, các thỏa thuận hợp tác đầu tư đã được diễn ra với trị giá lên tới 22 tỷ USD.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh: "Chúng ta đã rất thành công tại Nhật Bản. Quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển và đi vào thực chất. Và các nhà đầu tư Nhật Bản đã dần tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để thu hút các dự án từ các doanh nghiệp Nhật Bản".
Ngài Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: "Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản đã được tăng cường chặt chẽ. Đặc biệt, các vấn đề được nêu ra tại Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam lần thứ VI sẽ là những vấn đề mà chúng tôi mong muốn sẽ cùng Việt Nam thực hiện các hoạt động và cùng giải quyết các vấn đề và môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ được cải thiện thông qua sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới".
Một trong những nội dung lớn được phía Nhật Bản đưa ra tại cuộc họp lần này là vấn đề lao động và tiền lương. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đăng, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết, các vấn đề hiện nay là phương pháp tính tiền lương tối thiểu không rõ ràng, lộ trình đã được vạch ra nhưng vẫn không làm rõ được dữ liệu cơ bản và phương pháp điều tra chi phí sinh hoạt tối thiểu cần có của người lao động để làm chuẩn, nên vẫn thiếu tính hợp lý. Về kết quả thì tỷ lệ tăng cách xa với tỷ lệ CPI và tỷ lệ tăng trưởng GDP, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam.
Thêm vào đó, định nghĩa tiền lương tối thiểu chưa được nêu rõ cho người lao động, nên ngay cả khi tiền lương của doanh nghiệp có cao hơn mức lương tối thiểu, nếu phạm vi tăng mà doanh nghiệp đưa ra nhỏ hơn so với mức tăng của tiền lương tối thiểu, thậm chí trong trường hợp phạm vi tăng nhỏ so với các doanh nghiệp lân cận thì tranh chấp lao động sẽ xảy ra và doanh nghiệp sẽ bị đặt trong tình trạng phải tham khảo mức tăng lương của các doanh nghiệp khác để nâng lương nhằm phòng tránh việc xảy ra tranh chấp lao động.
Để giải quyết các vấn đề tồn đọng mà các doanh nghiệp đang mắc phải, phía Nhật Bản và Việt Nam sẽ thực hiện thảo luận về phương pháp và quy trình xác định mức tiền lương tối thiểu. Bên cạnh đó, sẽ làm rõ định nghĩa tiền lương tối thiểu (phù hợp với “định nghĩa tiền lương” trong điều 90 của Bộ luật Lao động) và công bố rộng rãi tới người lao động; đồng thời, làm rõ các chỉ tiêu kinh tế và số liệu điều tra được sử dụng để xem xét lại tiền lương tối thiểu; phía Nhật Bản và Việt Nam sẽ thực hiện trao đổi ý kiến tại các giai đoạn xem xét tiền lương tối thiểu và các văn bản hướng dẫn thi hành luật…
Tại cuộc họp, đại diện các nhóm thực hiện sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã thảo luận một số nội dung khác như: dịch vụ Logistics - vận tải; dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và những nội dung về quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và các luật khác liên quan đến đầu tư và kinh doanh…/.

>>> Dành ưu tiên cho các khu, cụm công nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục