Mở rộng cơ hội cho lao động sang Nhật Bản làm việc

07:43' - 17/10/2019
BNEWS Vài năm trở lại đây, người lao động sang làm việc tại Nhật Bản không quá khó, nếu theo con đường thực tập sinh.
 Một lớp học kỹ năng cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài ở Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nhật Bản luôn là thị trường tiềm năng với nhu cầu sử dụng lao động lớn, thu nhập cao. Vài năm trở lại đây, người lao động sang làm việc tại Nhật Bản không quá khó, nếu theo con đường thực tập sinh.

Riêng tại Nghệ An, trong 9 tháng của năm 2019, số lao động sang làm việc tại Nhật Bản gần 2.000 người (chiếm khoảng 40% số lượng lao động đi xuất khẩu toàn tỉnh và bằng khoảng 70% so với tổng số lượng của năm 2018).

Đây là tín hiệu đáng mừng bởi Nhật Bản vẫn là thị trường được đánh giá là chất lượng cả về môi trường làm việc lẫn thu nhập cho người lao động.

Ấp ủ được sang Nhật Bản làm việc nên đang học năm thứ 3 tại trường Cao đẳng nghề số 4 Bộ Quốc phòng, Hồ Văn Minh vẫn được tạo điều kiện vừa học tiếng, vừa học các kỹ năng cơ bản để làm việc tại Nhật Bản.

“Hiện tại có khá nhiều cơ hội cho sinh viên các trường nghề làm việc ở trong nước nhưng em vẫn muốn sang Nhật Bản làm việc vì đây là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, lương cao, thu nhập ổn định và an toàn”, Hồ Văn Minh chia sẻ.

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cũng đang thông báo chương trình đi lao động Nhật Bản miễn phí (IM Japan). Để được tham gia chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản tiêu chuẩn khá đơn giản như có sức khỏe, đạo đức, ý thức kỷ luật tốt và chỉ yêu cầu tốt nghiệp Trung học phổ thông. Đây cũng là chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyển dụng và tổ chức thi tuyển nên số người tham gia ứng tuyển khá đông.

Đặc biệt, đối với chương trình này, người lao động không mất chi phí môi giới mà chỉ phải nộp chi phí làm hộ chiếu, lệ phí visa, chi phí khám sức khỏe, chi phí đào tạo dự bị tiếng Nhật, chi phí ăn, ở, đi lại trong thời gian đào tạo tại Việt Nam.

Đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên sang làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Anh Hoàng Đặng, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương là lao động vừa trúng tuyển theo chương trình IM Japan. Qua 3 tháng làm việc tại Nhật Bản, anh chia sẻ: Tôi thấy rất hài lòng với công việc của mình hiện nay bởi từ khi sang Nhật chúng tôi được tạo điều kiện về ăn ở, việc làm và có thu nhập khá cao gần 40 triệu đồng.

Trước đó, sau khi trúng tuyển, anh Đặng đã có 3 tháng đào tạo dự bị và 1 tháng đào tạo trước khi xuất cảnh tại Hà Nội nên anh không quá bỡ ngỡ khi sang môi trường mới để làm việc. Gia đình cũng rất yên tâm khi người thân được đi theo chương trình này vì chi phí  thấp lại được sự đảm bảo của chính phủ hai nước.

Nói về hiệu quả của thị trường lao động Nhật Bản, bà Đặng Thị Phương Thủy, Phó Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết: Theo thống kê, số lượng lao động đi làm việc tại Nhật Bản đứng thứ 2 trong các thị trường lao động ngoài nước của Nghệ An.

Điều này là một tín hiệu đáng mừng, trước đây người lao động thường e ngại thị trường lao động Nhật Bản vì cho rằng đây là thị trường khó tính. Nhưng thực tế không phải vậy bởi Nhật Bản mở cửa cho lao động sang làm việc theo nhiều con đường khác nhau.

Không chỉ cần lao động phổ thông mà đầu năm 2019 Nhật Bản thông qua luật mới tiếp nhận lao động có trình độ, tay nghề và tiếng Nhật sang làm việc với thời hạn 5 năm nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra trầm trọng. Song song với đó, từ tháng 4/2019, Nhật Bản cũng thực hiện chế độ visa mới- visa kỹ năng đặc định.

Chương trình này cho phép tiếp nhận lao động phổ thông ở 14 ngành nghề quy định, gồm: Xây dựng, điều dưỡng, đóng tàu, làm sạch tòa nhà, bảo dưỡng ô tô, nông nghiệp, hàng không, ngư nghiệp, khách sạn, nhà hàng, chế biến thực phẩm, gia công chế tạo công nghiệp, sản xuất máy công nghiệp, điện - điện tử - viễn thông.

Mặc dù theo kế hoạch tháng 10/2019, Việt Nam mới tổ chức thi nghề, tiếng Nhật để đưa lao động sang làm việc theo chương trình này nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị ở Nghệ An đã “đón đầu” để tăng cơ hội cho người lao động.

Ông Trần Quang Hiệu – Giám đốc Công ty xuất khẩu lao động Hoàng Long cho biết: Ngay sau khi chính phủ Nhật thông qua chương trình visa kỹ năng đặc định, chúng tôi đã kết nối với tất cả các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh và tạo mọi điều kiện để sinh viên từ năm thứ 3 trở đi được đăng ký để tham gia tiến cử vào các đơn hàng mà đối tác đang cần.

Song song với đó, sinh viên được đào tạo tiếng Nhật để đến khi ra trường các em vừa có bằng kỹ sư thực hành nghề, vừa có trình độ ngoại ngữ căn bản. Với điều kiện này, chỉ 4 – 6 tháng sau khi tốt nghiệp các em đã có thể sang Nhật làm việc theo diện visa kỹ năng đặc định.

Phỏng vấn sinh viên Nghệ An sang làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Là đối tác với một trường đại học ở thành phố Vinh để đưa lao động sang Nhật Bản làm việc, ông Oyama Yutaka – Công ty FAJ - Tập đoàn Will Group Nhật Bản chia sẻ: Hiện tại những ngành mà Nhật Bản đang cần liên quan đến thực phẩm, du lịch khách sạn, điện tử và ô tô.

Với visa kỹ năng đặc định, những người được ưu tiên là lao động có tay nghề, có trình độ được đào tạo chính quy, có chứng chỉ ngoại ngữ N4 trở lên. Những lao động đã làm việc tại Nhật Bản 3 năm sẽ có nhiều cơ hội được quay trở lại Nhật mà không cần một tiêu chuẩn nào khác.

Thực tế cũng cho thấy, trong 14 ngành nghề mà Nhật Bản ưu tiên tuyển dụng theo chương trình visa kỹ năng đặc định, lao động Nghệ An có nhiều ưu thế bởi hiện mỗi năm có hàng nghìn lao động tốt nghiệp các trường nghề và có bằng kỹ sư thực hành.

Tuy nhiên, để tiếp nhận được chương trình này các trường cũng cần phải năng động, đổi mới xây dựng chương trình đào tạo và tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng thực hành, rèn luyện tác phong, ý thức lao động cho sinh viên.

Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để người lao động nắm bắt được chương trình và chủ động đón nhận, thực hiện nghiêm túc các quy định mà hai nước Việt Nam, Nhật Bản đã đưa ra./.

>> Tập đoàn thực phẩm MOS tuyển dụng 350 thực tập sinh Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục