Mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn: Bài 1-Hướng đến quản lý bền vững

08:38' - 08/01/2020
BNEWS Quản lý tổng hợp chất thải rắn là mô hình đang được triển khai thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/BNEWS/TTXVN

Với sự gia tăng dân số, kinh tế và quá trình đô thị hóa, lượng rác thải rắn phát sinh đang gia tăng nhanh chóng.

Nhưng trong những năm gần đây, tư duy về quản lý chất thải đã thay đổi, từ “tiêu hủy” đến “quản lý’ rồi “quản lý tổng hợp”, từ “chất thải’ đến “coi chất thải là tài nguyên”, từ nền “kinh tế tuyến tính’ sang “nền kinh tế tuần hoàn”.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng, tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có quản lý tổng hợp chất thải là mô hình đang được triển khai thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. TTXVN giới thiệu chùm 4 bài về “Mô hình quản lý tổng hợp và công nghệ xử lý chất thải rắn”.

* Bài 1-Hướng đến quản lý bền vững

Quản lý tổng hợp chất thải rắn là cách tiếp cận chiến lược để quản lý bền vững, gồm tất cả các khía cạnh, từ phát sinh đến thu gom, trung chuyển, vận chuyển, phân loại, xử lý và tiêu hủy chất thải.

Đây là khung tham chiếu để thiết kế và thực hiện các hệ thống quản lý chất thải mới, cũng như để phân tích và tối ưu hóa các hệ thống quản lý chất thải hiện có.

* Quản lý toàn bộ vòng đời chất thải

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, quản lý tổng hợp chất thải rắn là quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến xử lý cuối cùng.

Bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng, với mục đích bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó, quản lý tổng hợp chất thải rắn phải được điều chỉnh theo các cơ chế quản lý hiệu quả, linh hoạt, thích ứng.

Hệ thống quản lý cần đặt trong bối cảnh, có thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện xã hội, kinh tế và môi trường.

Đặc điểm của mô hình này là coi chất thải là tài nguyên: Tối đa hóa các cơ hội thu hồi tài nguyên ở tất cả các giai đoạn, từ giai đoạn phát sinh đến giai đoạn cuối cùng. Đây là cách tiếp cận toàn diện đối với tất cả các dòng chất thải, nên sẽ tối đa hóa lợi ích tổng hợp trong thu gom, tái chế, xử lý và thải bỏ, thúc đẩy việc xem xét vòng đời của sản phẩm và vật liệu, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên hơn; đồng thời tích hợp các biện pháp, công cụ khác nhau như chính sách pháp luật; kỹ thuật, công nghệ, quản lý, tài chính, nhận thức…; nâng cao trách nhiệm và vai trò của chính quyền địa phương; khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân (trong thu gom, tái chế, thu hồi năng lượng, tiêu hủy) và cộng đồng (giảm thiểu phát sinh, phân loại rác tại nguồn).

Những ưu tiên trong quản lý tổng hợp chất thải rắn trước hết là phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh, sau đó là tái sử dụng, tái chế-thu hồi vật liệu, thu hồi năng lượng và ưu tiên cuối cùng là tiêu hủy.

Qua đó, chính sách quản lý tổng hợp chất thải rắn phải tích hợp các khía cạnh gồm tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, tài chính bền vững, khuyến khích công nghệ và cải tiến công nghệ.

Vai trò của các bên liên quan cũng cần được xác định một cách cụ thể. Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Nhà nước hỗ trợ tài chính và tạo lập hành lang pháp lý, vai trò tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng.

Trong đó, công nghệ quản lý tổng hợp chất thải rắn phải được lựa chọn, thiết kế phù hợp với đặc tính và số lượng của rác thải rắn, tương thích với các điều kiện kinh tế-xã hội để vận hành.

* Kinh nghiệm quản lý ở một số nước

Năm 2016, tổng lượng chất thải rắn đô thị trên thế giới phát sinh vào khoảng 2 tỷ tấn, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 2,5 tỷ tấn.

Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được tái chế ước tính vào khoảng dưới 10%. Về tái chế kim loại, giấy, nhựa ở Trung Quốc, Ấn Độ được tái chế nhiều nhất; riêng chất thải điện tử được tái chế khoảng 84%.

Tại các nước phát triển như Nhật Bản và New Zealand, chất thải trong nông nghiệp, chăn nuôi thường được tái chế thành năng lượng ở các dạng bioga, còn chất thải xây dựng được tái chế lên tới 99%.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng cho biết, ở hầu hết các quốc gia, quản lý chất thải rắn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, rất ít chính quyền trung ương trực tiếp liên quan đến quản lý, ngoài việc ban hành chính sách, giám sát hoặc trợ cấp.

Khoảng 70% dịch vụ chất thải được giám sát trực tiếp bởi chính quyền địa phương, phần còn lại được quản lý thông qua các cấp chính quyền khác, cơ quan liên tỉnh, các tổ chức công-tư hay các công ty tư nhân.

Có tới 50% các dịch vụ được điều hành là cơ quan công lập; khoảng 1/3 các dịch vụ thu gom về xử lý và chôn lấp chất thải vận hành qua đối tác công-tư.

Hiện có tới 2/3 quốc gia đã xây dựng quy định pháp luật riêng về quản lý chất thải rắn, dù mức độ thực thi khác nhau. Gần 70% quốc gia thành lập các cơ quan có trách nhiệm xây dựng chính sách và quy định giám sát trong lĩnh vực chất thải.

Về tài chính cho quản lý chất thải rắn, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp hợp vệ sinh ở các nước thu nhập thấp tối thiểu khoảng 35 USD/tấn và thường cao hơn mức này.

Quản lý chất thải rắn chiếm khoảng 20% tổng chi phí hoạt động của chính quyền đô thị ở các quốc gia có thu nhập thấp; hơn 10% đối với quốc gia có thu nhập trung bình và 4% đối với quốc gia thu nhập cao.

Đặc biệt, hợp tác đối tác công tư (PPP) có tiềm năng giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, nhưng nếu PPP không được cấu trúc và quản lý đúng cách có thể dẫn đến sự thỏa hiệp về chất lượng dịch vụ.

Là nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả, song cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý chất thải rắn.

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp cận theo nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; phát triển nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng; giảm chôn lấp rác.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá, dự báo về tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn cho các vùng, miền, địa phương, từ đó lựa chọn các mô hình, công nghệ xử lý một cách phù hợp.

Mặt khác, phải hoàn thiện cơ chế tài chính trong lĩnh vực này để huy động sự tham gia của kinh tế tư nhân.

Ở các thành phố lớn có đủ điều kiện tăng dần mức phí, áp dụng cơ chế ưu đãi trong xử lý chất thải rắn phát điện.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp tái chế, đi đôi với xây dựng cơ sở dữ liệu làm cơ sở hoạch định chính sách và chiến lược, quy hoạch về quản lý chất thải rắn./.

Bài 2-Công nghệ xử lý của Newtech (TTXVN 9/1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục