Mô hình kinh doanh truyền thống của Macy’s vẫn "ăn nên làm ra"

08:24' - 17/11/2019
BNEWS Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của thương mại điện tử, Macy’s (Mỹ) vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành câu chuyện thành công của mô hình kinh doanh truyền thống.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ hoạt động thương mại điện tử, Macy’s - một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất thế giới của Mỹ vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành câu chuyện thành công của mô hình kinh doanh truyền thống.
Macy's là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu do Rowland Hussey Macy (1822-1877) thành lập cách đây khoảng 160 năm.

Ban đầu, công ty được biết đến là cửa hàng bách hóa, sau năm 2000 được đổi tên thành Macy's Inc. Đến năm 2015, công ty đã ghi nhận doanh thu đạt 27,1 tỷ USD.
Macy's đã phát triển mạnh từ một cửa hàng bán đồ khô nhỏ, nằm trên một đại lộ ở thành phố New York vào năm 1858 và hiện là một tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, để có được sự thành công như ngày nay, tập đoàn đã trải qua một thời gian dài khó khăn. Trước khi đạt được thành công, R. H. Macy đã có hai dự án bán lẻ nhưng thực sự không mang lại kết quả.
Sự ra đời của Macy’s cũng như những nỗ lực của người sáng lập R. H. Macy là một hành trình đầy sóng gió.

Lúc 15 tuổi, ông R. H. Macy rời nhà để đi biển. Sau 4 năm lênh đênh ngoài khơi, R.H. Macy trở lại Massachusetts, bắt đầu làm việc tại cửa hiệu của cha mình trước khi tự mở hiệu may tại Boston vào năm 1844.

Tuy vậy, cửa hàng này cũng như một cửa hàng bán đồ khô ông mở 2 năm sau đó đều làm ăn không thành công. R.H. Macy sau này có thời gian làm việc tại cửa hàng của anh rể, nhưng những nỗ lực của ông vẫn chỉ đưa lại kết quả dáng thất vọng, khiến ông quyết định trở lại Massachusetts. Vào năm 1851, ông tiếp tục mở một cửa hàng bán đồ khô tại Haverhill cùng với người anh trai.
Mặc dù gặt hái được một số thành quả nhất định, R.H. Macy vẫn quyết định từ bỏ công việc kinh doanh ở Haverhill để rời đến thành phố New York vào năm 1858.

Tại đây, ông khai trương một cửa hàng riêng, đặt tên là R.H. Macy & Co., ở góc đường Đường 14 và Đại lộ 6. Có thể nói, đây là một quyết định mang tính bước ngoặt, đặt nền móng cho thành công sau này của R.H. Macy.

Sau khi làm ăn có lãi, R. H. Macy quyết định mở rộng hoạt động ra 11 tòa nhà liền kề, cùng với việc mở rộng danh mục hàng hóa. Cửa hàng của R.H. Macy sau đó đã phát triển thành mô hình được gọi là “cửa hàng bách hóa”.
Doanh số bán hàng trong ngày đầu tiên của cửa hàng đạt 11,06 USD và con số này tiếp tục tăng lên khoảng 85.000 vào năm sau đó, trước khi đạt con số 5,546 tỷ USD chỉ riêng trong quý II của năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2019.
Thành công của R. H. Macy có được phần lớn nhờ vào hoạt động bán hàng đổi mới và các chiến dịch quảng cáo vốn đã thực sự làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp bán lẻ, thu hút lượng lớn khách hàng tới trải nghiệm mua sắm.

Chỉ thanh toán bằng tiền mặt, thiết lập hệ thống hàng 1 giá, niêm yết giá bán chính thức trong quảng cáo trên báo in, cung cấp bảo hành hoàn tiền... là những bước đi tiên phong mang tính đột phá của R. H. Macy
Sau sự ra đi của người sáng lập R. H. Macy vào năm 1877, quyền sở hữu Macy’s được gia đình Macy chuyển giao cho Isidor và Nathan Straus vào năm 1895. Nhà Straus tiếp tục kiến thiết di sản của R.H. Macy trong suốt những năm đầu của thế kỷ 20.

Năm 1902, trụ sở của Macy’s được rời đến tòa nhà Herald Square chín tầng với 33 thang máy và bốn thang cuốn bằng gỗ - hệ thống được sử dụng lần đầu tiên trong cửa hàng hách hóa ở Mỹ.
Qua năm tháng, R. H. Macy & Co. ngày càng phát triển, mở rộng các chuỗi cửa hàng khu vực; đồng thời thâu tóm không ít các cửa hàng bán lẻ khác.

Năm 1994, công ty thuộc quyền sở hữu của Federated Department Stores và trở thành cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất nước Mỹ.

Trang web trực tuyến macys.com đi vào hoạt động vào năm 1997, mở rộng đáng kể “tầm với” ra thị trường của công ty này.

Năm 2007, Federated Department Stores được đổi tên thành Macy’s Inc. và sở hữu gần 700 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với một loạt cái tên đáng gờm, điển hình như KaDeWe (Đức), Galleria Vittorio Emmanuelle (Italy), Galeries Lafayette (Pháp), Shinsegae (Hàn Quốc), nỗ lực của Macy’s Inc thật đáng nể phục khi công ty này luôn giữ được chỗ đứng trong nhóm các cửa hàng bách hóa lớn nhất thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục