Mô hình "Doanh nghiệp trong trường học" mang lại lợi ích 3 bên

18:33' - 10/09/2019
BNEWS Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, phát triển mô hình "Doanh nghiệp trong trường học" là xu hướng tất yếu, mang lại lợi ích 3 bên: Xã hội - nhà trường - người học.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN 

Tại Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 ngày 10/9, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ cho biết, phát triển mô hình "Doanh nghiệp trong trường học" là xu hướng tất yếu, mang lại lợi ích 3 bên: Xã hội - nhà trường - người học.

Do đó, Trường đại học Nam Cần Thơ đã đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng cho công tác xây dựng và phát triển theo mô hình doanh nghiệp trong trường học: xây dựng xưởng cơ khí ô tô, thư quán, khu nghỉ dưỡng cho giảng viên, khối thực hành đa chức năng, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ 300 giường, showroom ô tô điện Nam Cần Thơ...

Giải thích về mô hình doanh nghiệp trong trường học, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết, đó là sự kết nối giữa nhà trường và những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực trường có chuyên ngành đào tạo.

Doanh nghiệp hỗ trợ về máy móc thực hành, môi trường thực tập, kỹ sư/nhân viên hướng dẫn thực hành, tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp; trường cam kết đào tạo đúng nhu cầu mà doanh nghiệp đặt hàng.

Với mô hình trên, nhà trường tiết giảm được chi phí đầu tư máy móc; sinh viên được học trên những máy móc thực tế thay vì mô hình hay lý thuyết suông, tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường; doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng và tái đào tạo sau khi tuyển dụng.

Với định hướng đó, Trường đại học Nam Cần Thơ đã và đang phối hợp với Tập đoàn Nam miền Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Nam Cần Thơ DNC sản xuất, kinh doanh và đào tạo kiến thức thực hành cho sinh viên ở tất cả các khối ngành của trường. Đây cũng là 3 doanh nghiệp trực thuộc nhà trường.

Ngoài ra, theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, trường còn liên kết với nhiều doanh nghiệp, đơn vị khác như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Công ty Dược Hậu Giang, Ngân hàng HDBank, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ… trong đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên từ năm thứ nhất đến khi tốt nghiệp.

Mô hình này sẽ giúp sinh viên khi ra trường thực sự quen với môi trường làm việc của doanh nghiệp, đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức.

Nhân lễ khánh thành xưởng cơ khí ô tô năm 2018, trường đã ký kết hợp tác chiến lược với hai doanh nghiệp là Tập đoàn Tata International và Isuzu An Khánh nhằm giúp sinh viên thực tập và có cơ hội tuyển dụng việc làm tại các đơn vị này.

Tiếp đó, ngày 21/8/2018, tại Hà Nội, Trường đại học Nam Cần Thơ  và Tập đoàn Vingroup đã ký hợp tác chiến lược trong giáo dục. Theo đó, Tập đoàn Vingroup và Trường đại học Nam Cần Thơ sẽ hợp tác tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức.

Tập đoàn Vingroup cũng đặt hàng Trường Đại học Nam Cần Thơ đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.

Sau hơn 6 năm hoạt động, hiện Trường đại học Nam Cần Thơ đã thu hút trên 12.000 học viên, sinh viên chủ yếu đến từ 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang theo học tại 26 chuyên ngành như: Dược học; Y khoa; Xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Quản lý bệnh viện; Kế toán, tài chính – ngân hàng; Quản trị kinh doanh; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn, quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Quan hệ công chúng... Ngoài ra, trường cũng đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh; liên kết với Đại học Khoa học - Công nghệ Malaysia đào tạo quản trị kinh doanh.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục