Minh bạch hóa dự án cao tốc Bắc - Nam

10:22' - 02/04/2019
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ bảo đảm sự công khai, minh bạch và khắc phục toàn bộ những tồn tại, bất cập các dự án BOT đã triển khai thời gian qua.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương từ khi đưa vào sử dụng đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Nam. Ảnh:  TTXVN

Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ngay trong quý I/2019, việc cắm mốc giải phóng mặt bằng cho dự án được tiến hành khẩn trương. Dự kiến cuối năm nay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch cho dự án.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) cho toàn bộ 11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (cao tốc Bắc - Nam) phía Đông (giai đoạn 2017-2020) dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Đến nay, các ban quản lý được giao đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn tư vấn và đang khảo sát lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và cắm cọc giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, 3 dự án thành phần đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách gồm dự án Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn. Hiện 3 dự án này đang được các ban quản lý thực hiện các bước tiếp theo để khởi công theo kế hoạch.

Đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP xây dựng cao tốc Bắc - Nam, gồm các đoạn: Ninh Bình - Hà Tĩnh, Khánh Hòa - Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, dự kiến quý III/2019 sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán.

Hiện các ban quản lý dự án đang bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng, đặt mục tiêu trong năm 2019, việc giải phóng mặt bằng của các dự án đạt khoảng 50%.

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, 2 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam do ban phụ trách là dự án Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt đang được đơn vị bám sát tiến độ mà Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Cụ thể, cuối tháng 3, Ban Quản lý dự án 6 sẽ tiến hành bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho Hội đồng giải phóng mặt bằng các địa phương để giải phóng mặt bằng. Về thiết kế kỹ thuật cho dự án, theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, công việc này phải hoàn thành trong tháng 9 tới. Sau khi hoàn thiện thiết kế kỹ thuật sẽ tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Liên quan đến tiến độ triển khai đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị được giao phụ trách đoạn tuyến này) cho biết, dự án đã đấu thầu và lựa chọn xong nhà thầu của 3 gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán từ tháng 12/2018. Dự kiến, cuối tháng 3/2019, một số gói thầu của dự án sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, các ban quản lý dự án sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu trong tháng 3/2019. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 4/2019, nhà đầu tư có thời gian 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển và đóng thầu khoảng cuối tháng 6/2019.

“Đối với những dự án hấp dẫn có quá nhiều nhà đầu tư tham gia và vượt qua vòng sơ tuyển, theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư có điểm cao nhất để tổ chức các bước đấu thầu.

Cùng với việc sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuẩn bị ngay hồ sơ mời thầu nhà đầu tư. Đây được đánh giá là nội dung quan trọng nhất trong lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt với đấu thầu nhà đầu tư nước ngoài nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Nguyễn Viết Huy nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ bảo đảm sự công khai, minh bạch và khắc phục toàn bộ những tồn tại, bất cập các dự án BOT đã triển khai thời gian qua.

“Cụ thể, ngay trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan phải triển khai tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đặc biệt phải nghiên cứu kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế, bất cập tại các dự án BOT đã được các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra”, Thứ trưởng Nhật khẳng định.

Về cơ chế được áp dụng đối với cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chia sẻ, tất cả các dự án thành phần phải đấu thầu công khai, minh bạch để đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả. Về vốn chủ sở hữu, dự án cao tốc Bắc - Nam yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 20% trên tổng vốn đầu tư của mỗi dự án. Điều này giúp đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã giao các cơ quan tham mưu căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu, chủ động xây dựng mẫu hồ sơ mời sơ tuyển bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch, bình đẳng.

Ban Quản lý dự án 6 là một trong những đơn vị được giao nhiều dự án nhất của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: minh họa/TTXVN

Sau khi hoàn thiện dự thảo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan để hoàn chỉnh mẫu hồ sơ mời sơ tuyển. Hiện tại, đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật (tư vấn quốc tế do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải xây dựng) đang tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh mẫu hồ sơ mời sơ tuyển bảo đảm chặt chẽ, minh bạch.

“Quá trình sơ tuyển, đấu thầu và thương thảo hợp đồng các dự án PPP sẽ có sự tham gia hỗ trợ của tư vấn quốc tế, tổ chuyên gia (gồm các bộ, ngành và địa phương liên quan), bảo đảm sự minh bạch, thành công trong lựa chọn nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nhật cho biết.

Về thông tin các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đến nay đã có một số nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Thái Bình Dương, Tập đoàn CGGC (Trung Quốc); Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản; Tập đoàn Hyundai, Lotte của Hàn Quốc... quan tâm, tìm hiểu về dự án cũng như các cơ chế triển khai dự án.

“Với tinh thần cầu thị, Bộ đã chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ PPP phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp các thông tin về dự án cũng như các cơ chế triển khai dự án đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Nghị quyết số 20/NQ về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ thông qua đấu thầu công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng theo đúng pháp luật về đấu thầu”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.

Theo một chuyên gia giao thông, khi đã thực hiện đấu thầu quốc tế phải xác định không e ngại bất cứ nhà đầu tư nào miễn là nhà đầu tư đó đáp ứng được tất cả các tiêu chí đưa ra. Vấn đề là phải có tài liệu, chế độ chính sách của mình rõ ràng, rành mạch.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý (không chỉ các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải) từ trên xuống dưới phải thật sự rõ ràng, kịp thời; trong đó phải chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ trình độ, kinh nghiệm. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng hợp đồng cần phải tiên liệu đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh các các hành vi của các nhà thầu.

Trong trường hợp phát sinh vấn đề gì thì chiếu theo hợp đồng quốc tế để xử lý. Khi lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực (năng lực tài chính, thiết bị, nhân sự..), trình độ quản lý thì khi đó nhà thầu nào tham gia cũng có thể điều chỉnh được./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục