Minh bạch, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước

15:06' - 18/09/2018
BNEWS Cổ phẩn hóa là còn đường hay nhất, ngắn nhất để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Văn Giáp/ BNEWS/TTXVN

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, tuy chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp nhà nước lại đang nắm giữ những lĩnh vực then chốt của đất nước và đóng góp lớn vào GDP với tỷ trọng 30%.

Ngoài ra, khu vực kinh tế này còn góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tương xứng với nguồn lực khổng lồ đang nắm giữ.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên, ưu đãi về đất đai và vốn trong một thời gian rất dài nhưng hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp do tâm lý trông chờ vào nhà nước hỗ trợ.

Đồng quan điểm, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng cho rằng, trong những năm qua doanh nghiệp nhà nước dựa nhiều vào ưu đãi vốn, đất đai, nhưng lại chưa được quan tâm nhiều về nâng cao hiệu quả quản lý dẫn đến khả năng cạnh tranh trong nước và nước ngoài bị hạn chế.

Các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi việc vừa qua Tập đoàn Hóa chất xin sửa Luật thuế để áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu, để giá thành phân đạm cạnh tranh được với phân đạm nhập khẩu, tạo điều kiện cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) xử lý các doanh nghiệp yếu kém.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp có vấn đề giống Vinachem, tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp phải hoạt động bình đẳng theo luật.

Doanh nghiệp nhà nước cũng phải bình đẳng trong thị thị trường, nếu ko làm được hãy giải phóng nguồn lực của mình để cho thành phần kinh tế khác phát triển.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, cổ phẩn hóa là còn đường hay nhất, ngắn nhất để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng, cổ phần hóa là một công việc đòi hỏi sự quyết tâm cao của không chỉ cơ quan nhà nước mà kể cả các bộ, ngành và ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Hiện nay, tiến độ cổ phần hóa có xu hướng chậm lại, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ lý do là cơ quan chủ quản còn nhiều luyến tiếc khi từ bỏ quyền hạn đối với doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, Việt Nam cần phải xử phạt, kiểm điểm nghiêm khắc những doanh nghiệp chưa thực hiện quyết liệt cổ phần hóa nhà nước.

Ông Hùng cũng cho rằng, những vấn đề phức tạp liên quan đến pháp lý, đất đai, nợ của doanh nghiệp đang làm ảnh hưởng tới tiến trình cổ phần hóa, vì vậy trước khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần tìm giải pháp cho từng vấn đề.

Tại tọa đàm, các diễn giả đều nhất trí rằng, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa thì mấu chốt là phải thực hiện cổ phần hóa một cách công khai, minh bạch. Yêu cầu doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đây là việc rất quan trọng vì doanh nghiệp khi đã lên sàn chứng khoán sẽ có những giải pháp để doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục