Malaysia nối lại các dự án hợp tác với Trung Quốc

06:32' - 03/05/2019
BNEWS Tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore dẫn nhận định của giới phân tích rằng Malaysia đang ưu tiên kế hoạch chấn hưng kinh tế để đánh dấu thành tích một năm cầm quyền của Liên minh Hy vọng (PH).

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia mới đây đã chính thức tuyên bố nối lại hai dự án hợp tác lớn với Trung Quốc, bao gồm dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông (East Coast Rail Link - ECRL) và dự án khu đô thị kết hợp dịch vụ thương mại tại Bandar (Bandar Malaysia). 

Theo báo trên, dư luận nói chung đều đánh giá tích cực việc chủ động thúc đẩy đàm phán và nối lại các dự án hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng với phía Trung Quốc của Chính phủ Malaysia trong thời gian vừa qua. Đây được cho là giải pháp phù hợp để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, việc làm này được thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm một năm cầm quyền của Liên minh Hy vọng, nên nó càng có ý nghĩa trong việc củng cố và nâng cao uy tín trước người dân của Chính quyền.

Chuyên gia Lee Heng Guie, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội của Malaysia, cho rằng ECRL và Bandar Malaysia sẽ giúp hỗ trợ khoảng 140 ngành nghề hiện đang gặp khó khăn trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Điều này không chỉ tạo ra tác động tích cực mà còn góp phấn đưa kinh tế Malaysia vượt qua khó khăn và thách thức do sự mất ổn định của môi trường toàn cầu mang lại. 

Giáo sư chuyên ngành kinh tế Jinlong Yao của Đại học Sunway (Malaysia) nhận định việc tái khởi động dự án Bandar Malaysia sẽ giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kích thích GDP tăng trưởng. Bên cạnh đó, nếu tới đây đầu tư nước ngoài vào Malaysia tăng lên sẽ đồng nghĩa với việc chính sách kinh tế của chính quyền ông Mahathir Mohamad đã giành được sự tin tưởng, tín nhiệm của các nhà đầu tư. 

Sau khi giành thắng lợi tại cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018, chính phủ của Liên minh Hy vọng do ông Mahathir Mohamad đứng đầu đã tuyên bố tạm dừng một số dự án hợp tác với Trung Quốc do nghi ngờ về tính minh bạch, trong đó có hai dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng là ECRL và Bandar Malaysia. Tuy nhiên, mặc dù các dự án trên đã được gác lại, nhưng kinh tế Malaysia vẫn không có dấu hiệu được cải thiện.

Thêm vào đó, những cam kết do Liên minh Hy vọng đưa ra khi vận động tranh cử cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Một số cuộc điều tra xã hội gần đây cho thấy, ngày càng nhiều người trẻ tuổi tỏ ra thất vọng với cách thức cầm quyền và điều hành đất nước của Liên minh Hy vọng.

Tờ báo nhấn mạnh chính quyền của ông Mahathir Mohamad trong bối cảnh đó đã nhận thức được rằng cần phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế để trấn an và giành lại sự ủng hộ của người dân. Theo đó, quyết định nối lại hai dự án lớn trong hợp tác với Trung Quốc kể trên chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế Malaysia phát triển. 

Ông Mahathir Mohamad mới đây cũng phát biểu rằng, trong năm cầm quyền đầu tiên, chính phủ của Liên minh Hy vọng sẽ tập trung củng cố chính trị và kinh tế, đưa Malaysia thoát ra khỏi bóng đen của sự trì trệ và tham nhũng. Bên cạnh đó, ông Mahathir cũng cam kết sẽ bảo đảm cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư bản địa được tham gia vào các dự án ECRL và Bandar Malaysia. Đây chính là biện pháp động viên để giới thương nhân và doanh nghiệp bản địa tiếp tục ủng hộ chính quyền của Liên minh Hy vọng. 

Liên quan đến vấn đề này, một nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia (MIER) cho rằng, điểm chung nhất của việc tái khởi động hai dự án ECRL và Bandar Malaysia là tạo ra nhiều việc làm, cũng như mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bản địa tham gia các dự án phát triển quy mô lớn. Chuyên gia này khẳng định, dự án Bandar Malaysia tới đây chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh để mở rộng hơn nữa cơ hội tham gia của các doanh nghiệp địa phương. 

Cùng quan điểm trên, ông Datuk Matthew Tee, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu châu Á-Thái Bình Dương (IFAWPCA) nhận định rằng Chính phủ Malaysia sau khi tái khởi động các dự án kể trên sẽ tập trung ưu tiên để các doanh nghiệp bản địa cùng tham gia đầu tư tại các dự nước ngoài quy mô lớn, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.

Ông Tee khẳng định, mặc dù cần nhiều vốn đầu tư nước ngoài, các dự án ECRL và Bandar Malaysia cũng sẽ mang lại không ít cơ hội cho các thương nhân và doanh nghiệp địa phương. Do đó, việc tái khởi động hai dự án này sẽ có thể góp phần vào nỗ lực chấn hưng kinh tế Malaysia nói chung và ngành xây dựng nói riêng trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục