Luồng gió mới giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn hiệu quả

16:59' - 06/05/2018
BNEWS Với những khó khăn nội tại đeo đẳng trong suốt nhiều năm qua khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho sản xuất đã khó càng thêm khó.

Hòa chung vào xu thế hội nhập của cả nước, các hợp tác xã đang dần chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh với hy vọng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại đeo đẳng trong suốt nhiều năm qua khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho sản xuất đã khó càng thêm khó. Chính vì vậy, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ví như một luồng gió mới mang lại hy vọng cho các hợp tác xã trong thời điểm này.
Khó tiếp cận vốn
Mặc dù thời gian qua Bộ Tài chính đã soạn Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã với 8 chương 79 điều nhằm cải thiện chính sách nhưng đến nay nhiều ý kiến vẫn cho rằng vẫn còn rất nhiều bất cập trong tiếp cận nguồn vốn.
Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hầu hết các hợp tác xã đều đang rất khát vốn để phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Bởi việc tự thu xếp vốn tại các hợp tác xã còn rất thấp, phổ biến ở mức dưới 20%.
Không những thế, năng lực hạn chế, tiềm lực kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng kém hiệu quả.
Hơn nữa, các hợp tác xã này gần như không có tài sản thế chấp, cầm cố để vay vốn. Họa chăng nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất.
Điều này hoàn toàn không thể bảo đảm tính pháp lý cũng như điều kiện để tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng cũng như Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Mặt khác, nhiều hợp tác xã còn không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã hoặc thuê dịch vụ.

Nhiều hợp tác xã còn không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả. Ảnh minh họa: Lê Sen - TTXVN

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Yên Bái chia sẻ: Với tỉnh nghèo như Yên Bái, làm sao có thể bố trí 100 tỷ đồng vốn điều lệ tối thiểu theo Khoản 1, Điều 5 của Dự thảo Nghị định về Quỹ hợp tác xã.

Theo Khoản 1, Điều 5 của Dự thảo Nghị định, vốn điều lệ thực có tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập Quỹ hợp tác xã là 100 tỷ đồng, do ngân sách cấp tỉnh cấp.
Cùng đó, tại Khoản 1, Điều 65, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương nào không đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định sẽ thuộc diện phải giải thể.
Đặc biệt, một tỉnh nghèo như Yên Bái, cân đối thu chi ở mức khoảng 20% và hầu như chỉ dựa vào hỗ trợ ngân sách Trung ương làm sao ngân sách tỉnh có thể bố trí 100 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, kể cả trong thời gian 5 - 10 năm tới, chưa nói tới ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
Ông Đỗ Nhân Đạo cho rằng, nếu các Quỹ địa phương phải giải thể (không thể đáp ứng số vốn điều lệ 100 tỷ đồng), thì khu vực hợp tác xã sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận vốn, chưa kể còn nhiều bất cập khác kéo theo.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh, hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến hợp tác xã không tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng là không có tài sản thế chấp trong khi đơn vị làm ăn khá hiệu quả.
Thực tế tại Phú Thọ, nhiều hợp tác xã dù hoạt động hiệu quả nhưng cũng không thể vay được vốn ngân hàng, cho nên phải tìm đến Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh và đề nghị được vay tín chấp.
Do vậy, đơn vị phải vận dụng linh hoạt, có chỗ cho vay có tài sản bảo đảm, nhưng cũng có chỗ cho vay tín chấp. Đối với cho vay tín chấp, đòi hỏi nghiêm ngặt về niềm tin cũng như chặt chẽ trong thẩm định, kiểm tra và giám sát suốt quá trình sử dụng vốn.
Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Mông Sơn (Yên Bình), khi củng cố gặp khó về vốn đã vay Quỹ tỉnh 300 triệu đồng (trong tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng). Từ đó, nhờ tiếp tục nhận được sự đồng hành, tư vấn hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh mà Mông Sơn làm ăn hiệu quả hơn đạt tổng vốn hoạt động trên 4 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Văn Thịnh - Giám đốc Hợp tác xã Mông Sơn, đa số các HTX đều không có tài sản chung, phải mượn tài sản của bên thứ 3 bảo đảm vốn vay.
Chính vì vậy, Dự thảo Nghị định cần điều chỉnh quy định để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi hơn, không quá phức tạp như các ngân hàng.
Điểm tựa cho hợp tác xã
Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay cả nước đã có 47 Quỹ Hỗ trợ phát triển được thành lập, gồm một Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và hơn 40 quỹ trực thuộc Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố đang hoạt động.
Mặc dù được coi là điểm tựa cho các hợp tác xã nhưng do thiếu đồng bộ và thống nhất, liên kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương đòi hỏi khu vực này cần những chính sách hợp lý, phù hợp hơn với thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhằm hoàn thiện khung cơ sở pháp lý về hợp tác xã, Bộ Tài chính đang xây dựng và lấy ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, đơn vị liên quan về Dự thảo Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Đơn cử như tại Điều 2 khoản 1 dự thảo nêu rõ việc khách hàng là các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo đó, quy định này đã “bỏ quên” một đối tượng không kém phần quan trọng, đó là các tổ hợp tác và thành viên hợp tác xã, những “chất xúc tác” để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung đối tượng được hỗ trợ là thành viên các hợp tác xã và thành viên các tổ hợp tác. Ngoài ra, việc quy định vốn điều lệ thực hiện tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp.

Đồng thời, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thành lập quỹ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương cấp đủ vốn điều lệ là điều kiện bất khả thi.
Bởi thực tế hiện nay, với những tỉnh, thành phố đã thành lập quỹ, mặc dù Liên minh Hợp tác xã, UBND các tỉnh, thành phố đã cố gắng, nhưng hầu hết các quỹ đều có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng, thậm chí thấp hơn nhiều. Vì thế, việc bổ sung vốn điều lệ nên căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương nên để từng địa phương cân đối cho phù hợp.
Ông Đỗ Nhân Đạo kiến nghị , Quỹ Hợp tác xã địa phương ra đời trước Nghị định thì giữ nguyên vốn điều lệ, đồng thời yêu cầu UBND cấp tỉnh sớm nâng mức vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng ở các quỹ thuộc địa phương đặc biệt khó khăn như Yên Bái, trong lộ trình thời gian 3 năm, kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng thực tiễn ở Phú Thọ cho thấy, các hợp tác xã, tổ hợp tác không chỉ thiếu vốn đầu tư hạ tầng và trang thiết bị...mà có nhu cầu cấp thiết vốn lưu động, nhất là các hợp tác xã kiểu mới đều cần vốn đầu tư ngắn và dài hạn để phát triển theo từng giai đoạn.
Chính vì vậy, riêng với Phú Thọ đề nghị bổ sung Khoản 1, Điều 3 của Dự thảo Nghị định các phương thức cho vay đa dạng hơn, gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về mô hình hoạt động, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ phù hợp hơn nếu vận hành theo Quyết định 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 về tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, thay vì Điều 3, Khoản 2 của Dự thảo Nghị định quy định quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH...
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Nghị định nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là cần thiết.
Vì thế, Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cần sát hơn với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn.

Điều này nhằm giúp các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và đều có cơ hội đền gần hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã./.

>>> Đánh giá tác động của việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục