Lực đẩy cho nền kinh tế xanh của châu Phi (Phần 2)

06:03' - 11/03/2019
BNEWS Hầu hết các nước châu Phi đang hướng đến biển, đại dương để tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo không thông thường thay thế.
Hầu hết các nước châu Phi đang hướng đến biển, đại dương để tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

*Cơ hội của Nhật Bản trong phát triển kinh tế xanh tại châu Phi

Nhật Bản có thể chia sẻ 5 lĩnh vực thuộc về đại dương nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh ở châu Phi. 

Thứ nhất, hầu hết các nước châu Phi đang hướng đến biển, đại dương để tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo không thông thường thay thế, chẳng hạn như năng lượng Mặt Trời ngoài khơi vốn có tiềm năng lớn sẽ là nguồn năng lượng chính. 

Khu vực tư nhân Nhật Bản có thể tham gia hỗ trợ theo hướng này. Siêu dự án năng lượng Mặt Trời Kagoshima Nanatsujima của Tập đoàn Kyocera, nhà máy năng lượng Mặt Trời lớn nhất Nhật Bản, là một công nghệ ngoài khơi được xây dựng trên vùng đất khai hoang, thuộc vịnh Kagoshima, đang cung cấp 70 MW điện cho thành phố Kagoshima. Dự án này có khả năng phát điện hàng năm là 78.800 MWh và dự kiến sẽ cung cấp điện sạch cho khoảng 22.000 hộ gia đình.

Thứ hai, cho đến nay, dù đã có sự quan tâm quốc tế đối với hoạt động khai khoáng ở tầng nước sâu thuộc Ấn Độ Dương, nhưng chưa có bất kỳ kế hoạch phát triển thương mại nào. Là một mắt xích trong chuỗi chung, Nhật Bản là nhà đầu tư tiên phong ở Ấn Độ Dương và sau khi Công ước LHQ về Luật biển có hiệu lực, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế đã ký hợp đồng với Nhật Bản về lĩnh vực trên. 

Nhật Bản có thể giúp đỡ các nước châu Phi về công nghệ khai thác, công nghệ xử lý và đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, Nhật Bản với công nghệ tiên tiến nhất có thể hỗ trợ tìm kiếm, khai thác nguồn dự trữ năng lượng khí đốt đóng băng (hồ chứa khí) ở tầng nước sâu. 

Năm 2018, Ấn Độ và Nhật Bản đã thực hiện cuộc khảo sát chung về băng khí đốt ở Ấn Độ Dương bằng tàu khoan của Nhật Bản. Nhật Bản đặt mục tiêu đưa khí mêtan trở thành nguồn khí đốt chính vào đầu những năm 2020. Thủ tướngN.Modi quyết định đưa các công trình liên quan băng khí đốt là một trong 10 lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng hàng đầu của Ấn Độ.

Thứ ba, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong công nghệ sinh học biển đang nổi lên như một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho tăng trưởng và việc làm ở Ấn Độ Dương. Khu vực Ấn Độ Dương rất đa dạng về sinh học biển. Quá trình hiện thực hóa tiềm năng công nghệ sinh học biển đang được thực hiện, bao gồm cả việc nuôi cấy một loạt các sinh vật biển cho nhiên liệu sinh học, xử lý sinh học và sản phẩm sinh học.

Thứ tư, nuôi trồng thủy sản là động lực chính của nền kinh tế xanh ở Ấn Độ Dương nhằm cung cấp thực phẩm, dinh dưỡng và cơ hội việc làm cho người dân trong khu vực. Ngành thủy sản châu Phi đang đối mặt với vấn đề đánh bắt quá mức, do đó, những thách thức về an ninh lương thực có thể được giải quyết thông qua sản xuất nuôi trồng thủy sản. 

Nuôi trồng thủy sản có tiềm năng biến đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu tốt hơn. Với những kỹ năng tiên tiến trong ngành nuôi trồng thủy sản, Nhật Bản có thể hỗ trợ các quốc gia châu Phi phát triển các hệ thống nuôi trồng thủy sản nhằm mở rộng các loại thực phẩm và hàm lượng dinh dưỡng của những thực phẩm đó, đồng thời đảm bảo sự bền vững về kinh tế và môi trường của ngành này.

Cuối cùng, Nhật Bản có thể tăng cường nền kinh tế xanh kỹ thuật số ở Ấn Độ Dương, gồm các tuyến cáp dưới biển và các dịch vụ điện tử, dẫn đến các tiện ích khác như băng thông rộng và trao đổi dữ liệu. Nhật Bản có thể hỗ trợ phát triển kết cấu kỹ thuật số kết nối Ấn Độ Dương đang ngày càng lớn mạnh bởi nước này có nhiều nhà cung cấp hệ thống cáp ngầm hàng đầu thế giới.

*Kỳ vọng vào TICAD 7

Cùng với Chính phủ Nhật Bản, đến nay, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) là nhà đồng tổ chức TICAD lâu nhất. Thông qua quá trình đồng tổ chức TICAD, Nhật Bản và UNDP có được những lợi thế chiến lược quan trọng, bao gồm thúc đẩy các diễn đàn toàn cầu về phát triển châu Phi; thúc đẩy quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo; tăng cường tích hợp Hệ thống Phát triển LHQ; tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của Nhật Bản ở châu Phi với tư cách là động lực chính của quan hệ đối tác chiến lược doanh nghiệp với Nhật Bản.

Ngoài ra, LHQ hy vọng TICAD 7 sẽ thúc đẩy nền kinh tế xanh/đại dương của châu Phi để tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên biển, phát triển các cơ sở cảng và tạo điều kiện cho giao thông vận tải biển. 

Hơn nữa, Chương trình nghị sự TICAD 7 có thể sẽ dành ưu tiên cao về cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng hiện đại, và kết nối châu Phi, góp phần thuận lợi cho xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng, như cảng, hành lang hàng hải, sân bay, đường sắt, cầu và đường trục chính với tính hiệu quả xét theo các khía cạnh về chi phí vòng đời, mức độ tin cậy, an toàn, khả năng chống chọithiên tai và thân thiện với môi trường.

* Thách thức trong phát triển kinh tế xanh châu Phi 

Xuất phát từ những quan ngại về sự bền vững môi trường và tình trạng tham nhũng, cũng như sự thiếu hụt dữ liệu làm cơ sở triển khai hành động, các nhà hoạch định chính sách cần nguồn lực lớn để quản lý hiệu quả được đất nước. Ngoài ra, còn có những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng, axit hóa đại dương và mực nước biển tăng. 

Tình trạng không rõ ràng trong phân định ranh giới trên biển và dưới nước cũng làm nảy sinh các cuộc xung đột hiện nay. Đây là nguồn gốc gây ra tình trạng căng thẳng liên tục giữa các nước láng giềng, không những làm nản lòng các nhà đầu tư dài hạn, mà còn dẫn đến việc sử dụng tài nguyên một cách vô trách nhiệm.

Châu Phi cần đẩy nhanh việc giải quyết các tranh chấp và tăng cường các cơ chế hợp tác hàng hải và hợp tác ven sông giữa các quốc gia. Điều này sẽ tạo cơ sở hợp tác ở quy mô liên nền kinh tế và phát triển các chiến lược để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật và cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia.

Cùng với các mục tiêu phát triển bền vững về biển (SDG 14), sự phát triển của kinh tế xanh cũng phải thúc đẩy hòa nhập xã hội và đảm bảo tính bền vững môi trường. Do đó, châu Phi cần đặc biệt chú ý đối với những cư dân sống dọc theo bờ đại dương, hồ và sông, nhất là thanh niên và phụ nữ. 

Làm thế nào kinh tế biển có thể giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo và dành trọng tâm cho chính sách “không  ai bị bỏ lại phía sau”?Châu Phi cần có khả năng quản lý tài nguyên một cách hiệu quả và có thể sử dụng các nguồn tài nguyên một cách minh bạch và toàn diện.

Khó khăn lớn khác là cần phải đàm phán xuyên biên giới, lập kế hoạch chuyên sâu, lập kế hoạch liên ngành, phối hợp liên chính phủ, đào tạo mở rộng và sự tham gia của nhiều bên liên quan hết sức phức tạp giữa ít nhất 38 quốc gia thuộc châu Phi.

AU đã đưa ra Chiến lược hàng hải tích hợp 2050 nhằm cung cấp khuôn khổ rộng lớn cho bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển của châu Phi. Trọng tâm của chiến lược này là thiết lập Vùng hàng hải đặc quyền kết hợp châu Phi (CEMZA), một không gian hàng hải chung nhằm thúc đẩy thương mại, bảo vệ môi trường và nghề cá, chia sẻ thông tin và tăng cường các hoạt động bảo vệ và phòng thủ biên giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục