Luật hoá không gian mạng: Vấn đề sống còn của mọi quốc gia

17:37' - 21/03/2019
BNEWS An ninh mạng không còn là câu chuyện của một quốc gia đơn lẻ mà từ lâu đã là vấn đề toàn cầu, và việc luật hóa không gian mạng là vấn đề sống còn của mọi quốc gia trên thế giới.
Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN 

Vấn đề an ninh, an toàn mạng lại nóng lên vài ngày nay sau khi đoạn video truyền trực tiếp vụ xả súng đẫm máu tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand được chia sẻ trên mạng xã hội, gây những hiệu ứng tiêu cực.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố rằng các mạng xã hội đã trở thành công cụ "truyền virus cực đoan" cho hung thủ, khi mà chỉ trong 24 giờ đầu tiên, có tới 1,5 triệu video liên quan vụ tấn công này đã được tải lên trước khi bị Facebook gỡ bỏ.

Vụ việc mới nhất này cho thấy sự phát triển như vũ bão của công nghệ, cùng tính bao trùm, kết nối toàn cầu một cách nhanh chóng và không bị giới hạn của mạng lưới toàn cầu đang khiến vấn đề đảm bảo an ninh mạng ngày càng phức tạp hơn.

An ninh mạng không còn là câu chuyện của riêng cá nhân, tổ chức hay một quốc gia đơn lẻ, mà từ lâu đã là vấn đề toàn cầu, và việc kiểm soát, nói cách khác là luật hóa không gian mạng, là vấn đề sống còn của mọi quốc gia trên thế giới.

Với khả năng kết nối toàn cầu, thậm chí vượt không gian, Internet đã trở thành mạng liên kết lớn nhất thế giới, lan tỏa rộng lớn, len lỏi vào mọi lĩnh vực từ chính trị, quân sự, kinh tế… đến những vấn đề của cuộc sống thường ngày.

Song hành cùng những lợi ích to lớn của mạng xã hội, một loạt những vấn đề ngày càng nhức nhối trong đời sống trực tuyến, như tin sai lệch, giả mạo hay thiếu các công cụ bảo vệ dữ liệu người dùng…, từ lâu đã gây nhiều lo ngại.

Mới đây, nhà sáng lập mạng toàn cầu World Wide Web (WWW) Tim Berners-Lee đã lên án thực trạng lạm dụng thông tin cá nhân trên mạng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các luật bảo vệ quyền riêng tư.

Những suy tư của nhà sáng lập WWW không chỉ xét đến những cá nhân có hành vi xấu trên mạng, mà cả những công ty, tập đoàn quản lý, cung cấp các dịch vụ mạng Internet, đòi hỏi những đơn vị này phải chung tay cùng lực lượng chức năng xóa bỏ những điểm “mù” trên không gian mạng.

Thực tế, Internet phát triển đang kéo theo rất nhiều nguy cơ nếu không có biện pháp chặt chẽ để quản lý môi trường mạng.

Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia.

Những nội dung kích động bạo lực cực đoan tương tự đoạn video hay những “tuyên ngôn” thường xuyên được tải lên mạng của thủ phạm vụ xả súng vừa qua ở New Zealand, góp phần “tiêm nhiễm” tư tưởng cực đoan, thù hận tới một bộ phận người sử dụng mạng xã hội. Kéo theo là những nguy cơ an ninh và những mối đe dọa khôn lường.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã ban hành những đạo luật, quy định hoặc có những biện pháp mạnh tay để chống các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trên mạng hoặc phát tán những thông tin mang tính xuyên tạc, thù địch với mưu đồ xấu.

Ở khu vực châu Á, Singapore đã thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu cách thức ngăn chặn những đối tượng cố ý truyền bá thông tin sai lệch.

Chính phủ Singapore cũng đã trình dự luật an ninh mạng lên quốc hội, theo đó yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải hợp tác với nhà chức trách để chống tội phạm mạng.

Ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã có những hành động mạnh tay đối với những cơ quan báo chí và các trang mạng xã hội lan truyền tin giả.

Malaysia đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng, với phạm vi áp dụng rất rộng, gồm cả ấn bản số và truyền thông xã hội.

Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã lập kế hoạch chi khoảng 3 triệu USD để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội nhằm giám sát hiệu quả hơn.

Quốc hội Thái Lan hồi tháng trước cũng đã thông qua Luật An ninh mạng, cho phép các cơ quan có thẩm quyền thu giữ bất kỳ hệ thống máy tính hoặc thiết bị nào nếu xét thấy có mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh.
Trung Quốc thì mạnh tay hơn với việc cấm nhiều mạng xã hội hoạt động ở nước này bị phát hiện vi pháp luật pháp sở tại. Các ứng dụng như Skype (của Microsoft), WhatsApp (của Facebook)… đã bị “cấm cửa” ở Trung Quốc.

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng đã thiết lập hệ thống tường lửa Great Firewall để kiểm soát các nội dung thông tin xấu lan truyền trên mạng.

Với các nước châu Âu, an ninh mạng cũng là vấn đề hết sức cấp bách. Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn âm mưu lạm dụng dữ liệu, bóp méo và xuyên tạc thông tin nhằm gây ảnh hưởng trong vấn đề chính trị, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử.

Các thể chế EU cũng đã nhất trí về Luật An ninh mạng châu Âu mới và lần đầu tiên tạo ra một khuôn khổ cho các tiêu chuẩn an ninh mạng.

Năm ngoái, EU cũng đã công bố một bộ quy tắc ứng xử cho các mạng xã hội nhằm ngăn chặn các âm mưu và hành vi lạm dụng nền tảng Internet để truyền bá các thông tin sai lệch.

Tại Đức, ngay từ năm 2015, chính phủ nước này đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Luật này hàm chứa những điều khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng xã hội, trong đó có việc cấm kích động bạo lực, hành vi phạm pháp, truyền bá các tư tưởng cực đoan...

Luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG) cũng đã được Quốc hội Đức thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018 nhằm quản lý các hoạt động của mạng xã hội, đảm bảo môi trường lành mạnh cho người dùng.

Theo luật này, những dịch vụ mạng xã hội tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù hận hay phát tán các tin tức giả sẽ đối mặt với án phạt rất nặng, có thể lên đến 50 triệu euro.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin vừa ký ban hành hai đạo luật hạn chế phát tán các thông tin giả mạo hay xúc phạm biểu tượng Nhà nước, cấm truyền bá những thông tin giả có tầm tác động lớn đến xã hội, có nguy cơ gây hại cho cuộc sống người dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn, vi phạm an ninh công cộng, gây nhiễu loạn trong hoạt động các công trình bảo đảm đời sống, cơ sở hạ tầng giao thông hoặc xã hội, viễn thông, năng lượng.

Hạ viện Australia cuối năm ngoái đã thông qua Dự luật An ninh mạng, yêu cầu các nhà mạng, kể cả các mạng xã hội, phải hợp tác với cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.

Vấn đề an ninh mạng cũng là chủ đề thảo luận tại nhiều diễn đàn quốc tế. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây ở Davos, Thụy Sĩ, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi các nước giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực này.

Tại Diễn đàn quốc tế về an ninh mạng 2019 vừa được tổ chức ở Pháp, không khí bao trùm là sự lo lắng trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng và dưới những hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường, trong một thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ.

Thực tế này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần có những chế tài chặt chẽ trong không gian mạng.

Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 nhằm đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến lợi ích quốc gia, đến trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm an ninh mạng, đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin.

Đây là nỗ lực hết sức kịp thời của các cơ quan hữu quan và là xu thế chung trên thế giới về quy định pháp lý đảm bảo an ninh mạng.

Có thể nói trong kỷ nguyên số, an ninh mạng gắn liền với an ninh quốc gia và an ninh cá nhân. Những quy định về đảm bảo an ninh mạng lần lượt được "khai sinh" ở các nước trên thế giới, chính là những tấm “áo giáp sắt” bảo vệ xã hội và con người trong thời đại công nghệ số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục