Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tạo được chuyển biến lớn

14:11' - 26/11/2019
BNEWS Sau gần 2 năm thực thi, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành với mục tiêu tạo cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên sau gần 2 năm thực thi, các chính sách này chưa tạo được nhiều tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, sáng 26/11.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Sau gần 2 năm triển khai, có hơn 50 địa phương trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhiều địa phương đã chủ động trong việc triển khai một số hoạt động hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập về phần mềm kế toán; hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng đáng kể qua từng năm.

Tuy nhiên, việc triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế, hoạt động của các doanh nghiệp chưa bền vững. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường vẫn rất lớn.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong quý I năm 2019 có 15.00 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2018 và hơn 15.300 doanh nghiệp đang chờ hoàn thành thủ tục giải thể. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tiếp tục bị tụt hạng dù các điểm số được cải thiện do không theo kịp tốc độ của các quốc gia khác.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tạo được sự chuyển biến lớn trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc thiết kế chương trình hỗ trợ do chưa xác định được chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực để hỗ trợ, bố trí nguồn vốn, chi phí triển khai.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng chưa tham gia được vào chuỗi liên kết giá trị hàng hóa. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhưng 70% kim ngạch đó ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI), trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm chưa tới 30% kim ngạch xuất khẩu.

Chưa kể, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đề cập trong Luật hiện chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện và thống nhất. Điển hình như cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa đang vênh với quy định trong Luật Thuế hiện nay, vì vậy muốn có ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chờ sửa đổi Luật Thuế hay chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải chờ điều chỉnh Luật Đất đai...

Nhận định về tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Hồ Chí Minh thẳng thắn nêu quan điểm, sau gần 2 năm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, chưa tạo ra được hiệu ứng nào đến cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp được đề cập rất nhiều nhưng lại không nhất quán, không được đồng bộ với các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế... nên không triển khai áp dụng được.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung hỗ trợ lại đi kèm với những điều kiện không phù hợp, dẫn đến thực hiện không hiệu quả, không hỗ trợ đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Đơn cử như chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nghĩa là đào tạo những người chuẩn bị khởi nghiệp nhưng điều kiện là nhân sự đó phải được công ty, doanh nghiệp giới thiệu.

Ông Nguyễn Đình Tuệ cũng chia sẻ thêm, chính sách hỗ trợ cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Tp. Hồ Chí Minh triển khai từ trước khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành và đến nay vẫn phát huy hiệu quả rất tốt, kết nối được trên 300.000 tỷ đồng đưa vào hoạt động sản xuất.

“Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải xác định rõ những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp là gì để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả chứ không phải chỉ đề ra các chính sách rồi yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này, điều kiện kia mới được hỗ trợ, như vậy là làm khó doanh nghiệp.”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang cho rằng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tạo được tác động rõ nét đến cộng đồng doanh nghiệp bởi khâu kết nối, truyền tải thông tin giữa các đơn vị hỗ trợ và doanh nghiệp cần được hỗ trợ còn yếu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ gặp khó khăn về phương tiện sản xuất là vốn và đất đai mà thiếu rất nhiều thông tin về chính sách, công nghệ, thị trường; đội ngũ nhân lực thiếu và yếu những kỹ năng cần thiết trong quản trị, sản xuất...

Thế nhưng ngay cả những cán bộ xây dựng đề án, phương án hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương chưa chắc đã hiểu rõ những vấn đề của doanh nghiệp cũng như cách vận dụng chính sách để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ. Đó cũng lý do vì sao không chỉ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  mà nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác cho doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế.

Các chuyên gia đề xuất, để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành lực đẩy giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện, thống nhất nội dung giữa các luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp khi đó địa phương mới có cơ sở triển khai hoạt động hỗ trợ.

Thành lập trung tâm kết nối các chuỗi dịch vụ để doanh nghiệp cần hỗ trợ có địa chỉ liên hệ cụ thể. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động cập nhật thông tin, chính sách để tận dụng hiệu quả nhất, đồng thời cải thiện khả năng quản trị nguồn lực mới có thể cạnh tranh và phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục