Long An sẽ thực hiện 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

07:02' - 26/08/2017
BNEWS Long An sẽ thực hiện 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực.
Long An sẽ thực hiện 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: Nguyên Lý-TTXVN

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An quyết định đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực.

  Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Trong nguồn vốn đầu tư dự kiến để hỗ trợ phát triển nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Long An sử dụng khoảng 600 tỷ đồng vốn nhà nước, số còn lại là vốn đầu tư của các doanh nghiệp.
Các mục tiêu đặt ra là đầu tư Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười; thực hiện dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống lúa, chọn tạo giống rau, thanh long; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Long An sẽ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Trần Văn Cần Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Long An khẳng định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Long An dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu. Tỉnh sẽ phát huy lợi thế về vị trí địa lý, kinh tế - xã hội, thế mạnh và tiềm năng về đối tượng cũng như vùng sản xuất; kết hợp lựa chọn công nghệ tiên tiến thích hợp theo đặc điểm, điều kiện sản xuất của địa phương để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao và lâu bền.
Ông Lê Văn Hoàng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An chia sẻ, nguồn lực nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.
Theo đó, Long An tập trung chủ yếu vào một số vùng, lĩnh vực, loại cây, con thế mạnh của tỉnh và vào một số khâu quan trọng nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, ngành nông nghiệp xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và ngành đang tập trung triển khai thực hiện. Trọng tâm là nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tự động hóa vào công tác lai tạo giống, canh tác và bảo quản, chế biên nông sản.
Long An hiện có 3 doanh nghiệp đăng ký thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Tất cả các khu này đều do tư nhân đầu tư và đề nghị tỉnh tạo điều kiện pháp lý, chính sách ưu đãi. Vì vậy, không gây áp lực lớn về ngân sách và có tính khả thi cao.

Triển khai nhiều giải pháp

Long An đang tập trung triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Tỉnh triển khai thực hiện tốt việc quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; đảm bảo lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch cây trồng, vật nuôi theo các tiêu chuẩn một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, tỉnh chú trọng quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên một số sản phẩm tỉnh có lợi thế.
Phát triển kinh tế tập thể được gắn với liên kết 4 nhà; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất lớn, bền vững và là chủ thể quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Các hình thức dịch vụ trong sản xuất như làm đất, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, bảo vệ môi trường sản xuất, chăn nuôi... được khuyến khích.
Cùng với ứng dụng công nghệ cao, Long An còn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,… đáp ứng yêu cầu ứng dụng được cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản. Đặc biệt, tỉnh thực hiện cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia; trong đó, quan tâm đến doanh nghiệp đầu tàu, ngành, sản phẩm chủ lực dẫn dắt, tiềm năng.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Long An đẩy mạnh xây dựng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), phục vụ xuất khẩu được chú trọng như thanh long, chanh không hạt, gạo Nàng thơm Chợ Đào... Mục tiêu cho năm 2020 là giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 30-50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục