Lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi sụt giảm đáng kể

17:32' - 31/10/2019
BNEWS Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, lợi nhuận của một số doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết sụt giảm đáng kể trong 9 tháng năm 2019.

Sản phẩm của Masan tại siêu thị. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, tình hình này sẽ được cải thiện trong những tháng còn lại, do giá thịt lợn có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Tập đoàn Dabaco (HOSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần 1.812 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 2%, kéo lãi gộp giảm 27% xuống 248 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính trong kỳ cũng ghi nhận chi phí tăng 80% lên 81 tỷ đồng, chủ yếu từ chi phí lãi vay. Kết thúc quý III, doanh nghiệp lãi sau thuế 19,4 tỷ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Dabaco đạt doanh thu thuần 5.102 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của Dabaco vẫn giảm đến 80%, xuống còn 47 tỷ đồng trong 9 tháng, chỉ tương đương 13% kế hoạch năm 2019.

Giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt thấp, đại diện Dabaco cho biết chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Trong nửa đầu năm, giá các sản phẩm lợn giống, lợn thịt xuống thấp trong thời gian dài, kéo theo các sản phẩm chăn nuôi khác cũng giảm theo.

Đến quý III, dù giá có tăng nhưng do nhiều người nuôi giảm đàn đã khiến sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ và sản lượng con giống của các công ty con thuộc Dabaco sụt giảm đáng kể. Doanh thu của khối chăn nuôi giảm, đặc biệt là khối chăn nuôi lợn giảm làm cho kết quả sản xuất kinh doanh của Dabaco giảm so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) mới công bố cũng cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group giảm lần lượt 0,9% và 2,2% ở 9 tháng năm 2019 và quý III/2019.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm doanh thu của Masan là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn tại Việt Nam giảm, làm trì trệ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của công ty.

Dù doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành sụt giảm đáng kể trong thời gian qua do dịch tả lợn châu Phi, tuy vậy, theo dự báo của các doanh nghiệp này, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hồi phục trong quý IV/2019 khi dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lắng lại và giá lợn hơi có khả năng sẽ tăng vào cuối năm do tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Phân tích của các công ty chứng khoán cũng cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đang gây tác động tiêu cực lên sản lượng lợn toàn cầu và Việt Nam.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam, mặc dù dịch dịch đã bước đầu được kiểm soát, nhưng vẫn diễn biến khó lường khiến người chăn nuôi ngại việc tái đàn.

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy người chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn e ngại việc tái đàn và ảnh hưởng tới sự phục hồi nguồn cung.

Do vậy, giá lợn hơi trong nước sẽ tiếp tục tăng giá và duy trì ở mức cao trong khoảng thời gian từ đây tới cuối năm và có thể sang cả đầu năm 2020.

Dabaco và Masan là những doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá thịt lợn. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động tới Dabaco lớn hơn do cơ cấu doanh thu của những mảng liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi chiếm tới hơn 82%.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng nhận định, giá lợn hơi đã chạm đáy và sẽ duy trì xu hướng tăng cho tới đầu năm 2020.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được cho là sẽ chịu tác động nhiều nhất từ sự bùng phát của dịch bệnh do thiếu các biện pháp phòng ngừa và thực hành an toàn sinh học.

Còn các doanh nghiệp quy mô lớn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt như Dabaco, Masan Meatlife (công ty con của Masan Group), CP Vietnam sẽ được hưởng lợi từ việc giá lợn tăng trở lại. Các công ty có mảng chăn nuôi gia cầm như Dabaco, C.P. Việt Nam cũng có khả năng đẩy mạnh việc tiêu thụ gia cầm như một sản phẩm thay thế cho thịt lợn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục