Lời giải cho điệp khúc “được mùa, mất giá’’

09:08' - 08/03/2019
BNEWS Cách thức tiêu thụ nông sản từ thông qua thương lái rồi bán lại cho các nhà máy chế biến như những năm qua tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên kết sản xuất là cách giúp tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Sản xuất nông nghiệp được xem là thế mạnh của tỉnh An Giang. Thời gian qua, tiêu thụ nông sản của nông dân chủ yếu thông qua hệ thống thương lái thu mua rồi bán lại cho các nhà máy chế biến. 

Cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, nông dân không quyết định được giá bán của nông sản do mình làm ra.

Trước thực trạng trên, tỉnh An Giang đã xác định: chỉ có tổ chức sản xuất nông nghiệp với hình thức liên kết sản xuất theo quy mô lớn, thì mới giải xong bài toán “được mùa mất giá’’ của nông dân.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhiều năm qua hệ thống thương lái tại An Giang đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào cao điểm thu hoạch, nên không xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản hàng hóa trong dân.
“Tuy nhiên, cách làm này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, nông dân không quyết định được giá bán của nông sản do mình sản xuất, thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá. Về phía doanh nghiệp chế biến cũng không chủ động và quản lý được chất lượng của nguồn nguyên liệu đầu vào”, ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, nhiều năm qua các cấp quản lý của tỉnh An Giang đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả gắn kết việc sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, nông dân bắt đầu sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, rau màu, cây ăn trái.
Về thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, năm 2018 An Giang có 37 doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với diện tích gần 56.000 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2018-2019 các vùng sản xuất tiếp tục thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp cho khoảng 10.000 ha.
Trong năm 2018, tỉnh cũng đã thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất theo kiểu mới như: Mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Angimex-Kitoku thực hiện liên kết, thu mua theo giá cố định, diện tích liên kết hàng năm khoảng 5.000 ha.

Điểm chú ý của mô hình liên kết này, công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và thu mua cuối vụ và giá thu mua lúa của công ty được xác định từ đầu vụ. Do đó, nông dân có nhiều thông tin để quyết định tham gia mô hình.

Nhờ thực hiện liên kết, nên vụ Đông Xuân 2018-2019, Công ty Angimex - Kitoku thu mua lúa cho nông dân với giá từ 7.400-8.100 đồng/kg (tùy loại giống), giúp nông dân tránh được tác động của giá lúa gạo sụt giảm trong thời gian qua.
Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu, An Giang đã chứng nhận 13 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 2.697 ha tại các huyện Chợ Mới, Châu Thành, An Phú và Long Xuyên.

Tỉnh đã xây dựng mạng lưới kinh doanh và tiêu thụ rau màu khá đa dạng và phong phú, ngoài tiêu thụ tại 2 chợ đầu mối lớn của tỉnh là Long Xuyên và Châu Đốc, sản phẩm rau màu của tỉnh còn được tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang...
Ngoài ra, rau màu của nông dân cũng được ký hợp đồng tiêu thụ tại các siêu thị như: Coop Mart Long Xuyên, Mega Market và một số hệ thống bếp ăn của trường học, công ty ... trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) tăng cường liên kết, ký kết hợp đồng với gần 4.000 nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu trồng gần 2.500 ha bắp, đậu ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn...phục vụ chế biến xuất khẩu.
Về thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái, UBND tỉnh An Giang cũng đã xây dựng thành công mô hình sản xuất xoài 3 màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại 3 xã cù lao giêng ở huyện Chợ Mới.

Trong năm 2018, sản lượng thu mua của vùng sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, An Giang đã xuất khẩu vào thị trường Australia với số lựng 5,4 tấn, vào thị trường Hàn Quốc với số lựng 59 tấn….
Ngoài ra, An Giang cũng tổ chức tập huấn cho hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã các kỹ năng như: đàm phám hợp đồng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh để thực hiện hợp đồng; lợi ích khi tham gia các tổ chức đại diện nông dân để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản….
Để xây dựng thị trường nông sản ổn định, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người nông dân, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, An Giang đã mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh để có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng ổn định.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng, hỗ trợ những hợp tác xã nông nghiệp trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và tiêu thụ sản phẩm, gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Đây là hướng đi cốt lõi, đảm bảo cho liên kết sản xuất bền vững, nông dân sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao, dần kiểm soát được giá cả sản xuất….
Ông Thư khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, chỉ có liên kết sản xuất theo quy mô lớn, hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm kết nối với doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định trước nhu cầu thị trường tiêu thụ để định hướng sản xuất mới đảm bảo được quan hệ cung-cầu hài hòa, thì nông dân mới tránh được tình trạng “được mùa mất giá’’.
Nhằm phát triển bền vững ngành ngành nông nghiệp của tỉnh, UBND tỉnh An Giang cho hay, thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo theo hướng hình thành các vùng chuyên canh lúa phù hợp với mục tiêu an ninh lương thực và tình hình thị trường trong và ngoài nước; chuyển đổi nền đất lúa qua canh tác các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Song song với đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục mời gọi các tập đoàn lớn trong nước đến đầu tư và liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với nông dân An Giang…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục