Lối đi nào cho thị trường bán lẻ Hà Nội?

15:05' - 17/04/2019
BNEWS Mặc dù, thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng trong những năm qua phát triển khá mạnh mẽ, nhưng cũng đã nảy sinh không ít bất cập, khó khăn cần khắc phục.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị. Ảnh: TTXVN. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Để đưa Hà Nội trở thành trung tâm giao thương, kinh tế của cả nước và khu vực Đông Nam Á, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mặc dù, thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng trong những năm qua phát triển khá mạnh mẽ, nhưng cũng đã nảy sinh không ít bất cập, khó khăn cần khắc phục.

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh.

Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Đây là mức tăng trưởng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đến nay, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao. Đơn cử, Co.opmart từ 90 - 93%, Satra 90 - 95%, Vinmart 96%, Big C 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững.

Bên cạnh đó, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế…

Đặc biệt, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi đến tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, mạng lưới chưa rộng khắp, chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng.

Thói quen mua sắm hàng hóa tại hệ thống chợ truyền thống của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các danh nghiệp bán lẻ.

Với vị thế đặc biệt, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh, mà còn dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực Bắc bộ.

Cùng với đó là sự phát triển mạnh của loại hình bán lẻ hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi ngày càng cao của người dân Thủ đô.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện ích. Nhờ đó, đã hình thành phương thức thương mại hiện đại, văn minh, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, mô hình thương mại hiện đại ngày càng chiếm ưu thế so với kênh bán lẻ truyền thống, đặc biệt là việc đa dạng sản phẩm, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại sang trọng và đẳng cấp đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo thành phố, song, dù vốn đầu tư lớn và vị trí đắc địa, nhiều trung tâm thương mại vẫn giảm sút khách hàng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện các loại hình trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô như chuỗi siêu thị Hapro, Vinmart, BigC, Co.opmart… chủ yếu là trung tâm mua sắm tổng hợp, phục vụ bán lẻ chứ chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logistics lớn…

Một số trung tâm mua sắm hiện đại mới như Aeon Mall, Royal, Time City, hay Lotte… tuy có quy mô lớn hơn, song vẫn chưa thể đạt tiêu chuẩn của thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam) nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô.

Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, một mặt cơ chế thu hút đầu tư hiện chưa thực sự hấp dẫn, mặt khác các nhà đầu tư cũng phải căn cứ nhu cầu thị trường để quyết định lập dự án.

Bà Lan cho rằng, quy hoạch hệ thống thương mại cũng bộc lộ bất cập dẫn tới tình trạng một số chợ đầu mối hoạt động thiếu hiệu quả...

Trong khi đó, theo Kế hoạch số 117/KH-UBND (ngày 24/5/2018) về triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, 1.000 cửa hàng tiện ích; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng…

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để hoàn thành mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trên cơ sở rà soát quá trình triển khai quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ năm 2012 đến nay và căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Sở tiếp tục xem xét điều chỉnh, cập nhật vị trí phù hợp đối với những dự án có trong quy hoạch ngành Thương mại nhưng thực tế không còn quỹ đất.

Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể; tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực...

Cùng với đó, thành phố chủ động rà soát quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm đi trước, đón đầu xu hướng đô thị hóa của thành phố; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng như bốn trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Tập đoàn Semaris (Pháp) chuẩn bị cho dự án chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm…"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục